Năm học 2020-2021, huyện Phú Bình được giao chỉ tiêu thuê khoán trên 700 giáo viên ở cả 3 cấp học. Tuy nhiên đến thời điểm này, khi đã bước vào năm học một tuần, số giáo viên tuyển dụng theo cơ chế thuê khoán mới được 500 người.
Năm học 2020-2021 là năm học khó khăn với Ban giám hiệu Trường Tiểu học Xuân Phương khi phải đối diện với tình trạng thiếu giáo viên. Hiện, Nhà trường có 26 lớp với tổng số 31 giáo viên, theo quy định và chỉ tiêu được giao, trường còn thiếu 13 giáo viên, nhưng Nhà trường mới chỉ thuê khoán được 8 giáo viên. Không tìm được giáo viên hợp đồng, giải pháp tình thế của trường là tăng giờ dạy cho giáo viên hiện có. Bà Dương Thị Chinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương cho biết: Nhà trường đã thông tin tuyển dụng nhưng hiện vẫn không tuyển đủ giáo viên. Chúng tôi phải bố trí dạy chéo buổi, động viên giáo viên dạy vượt giờ để đảm bảo số tiết theo quy định.
Tương tự, Trường Tiểu học Kha Sơn cũng đã đăng thông báo tuyển dụng ngay khi kết thúc năm học 2019-2020 và đưa ra nhiều giải pháp để giữ chân giáo viên hợp đồng khoán. Nhưng khi bước vào năm học 2020-2021, Nhà trường chỉ thuê khoán được 4 giáo viên trên tổng số chỉ tiêu là 8 người. Đặc biệt, giáo viên dạy các môn học đặc thù như Tiếng Anh, Tin học cũng thiếu nên Trường phải hợp đồng với 2 giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS lân cận để đảm bảo chương trình giảng dạy. Cô giáo Vũ Thị Thu Hương, Trường THCS Thanh Ninh, hợp đồng dạy tại Trường Tiểu học Kha Sơn cho biết: Tại Trường THCS tôi dạy các tiết vào buổi sáng, buổi chiều dạy tại Trường Tiểu học Kha Sơn. Đảm nhiệm việc dạy cả hai trường khá vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng để hỗ trợ đồng nghiệp.
Việc không tuyển dụng đủ số giáo viên đang là tình trạng chung của nhiều trường học trên địa huyện Phú Bình. Trong đó, cấp học mầm non thiếu gần 100 giáo viên; cấp tiểu học thiếu hơn 60 giáo viên; cấp THCS thiếu 10 giáo viên và 30 nhân viên. Mặc dù đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, song đến nay ngành Giáo dục huyện Phú Bình vẫn đang loanh hoay tìm lời giải cho “bài toán” này . Chia sẻ về những lý do không thuê khoán được giáo viên, bà Trần Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kha Sơn cho rằng: Do tiền công trả thuê khoán chưa cao. Một phần nữa là các cô giáo không được chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên khó mà giữ chân được họ.
Bà Nguyễn Thị Kim Nga, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phú Bình cho biết: Năm nay là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chúng tôi ưu tiên khối lớp 1 có đủ giáo viên biên chế. Còn lại các khối khác đành phải sử dụng giáo viên hợp đồng khoán. Nếu không đủ chúng tôi sẽ yêu cầu giáo viên dạy vượt giờ. Chúng rất mong tỉnh có những chính sách riêng để tạo điều kiện cho nhà trường được tuyển viên chức là giáo viên; có cơ chế hợp lý trong việc bảo đảm chế độ cho giáo viên thuê khoán để họ yên tâm gắn bó với nghề.
Có thể thấy, việc thiếu biên chế giáo viên đang khiến các trường học của ngành Giáo dục huyện Phú Bình đứng trước nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ. Bởi vậy, khi năm học mới đã bắt đầu, các ban, ngành liên quan nên sớm có cơ chế xem xét tiêu chuẩn, điều kiện tuyển và chế độ đối với giáo viên thuê khoán để các nhà trường có đủ giáo viên phục vụ nhiệm vụ dạy và học.