Ngày 21-10, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm 2020, cả nước đã thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được 10 năm.
Đề án được ban hành theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9-2-2010 với mục tiêu bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý, sẵn sàng vào học lớp 1. Để triển khai Đề án, các địa phương trên cả nước đã tăng cường đầu tư mọi nguồn lực cho giáo dục mầm non, bảo đảm mỗi phường, xã có ít nhất một trường mầm non công lập.
Cả nước hiện có gần 15.500 trường mầm non, tăng 2.600 trường so với năm 2010. Tổng số phòng học ở cấp học mầm non là gần 202.000 phòng, trong đó có gần 157.000 phòng học kiên cố, chiếm tỷ lệ gần 78%. So với năm 2010, số phòng học kiên cố tăng 28%. Về đội ngũ, cả nước có gần 365.000 giáo viên mầm non, tăng 148.000 giáo viên so với thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,82 giáo viên/lớp.
Đáng chú ý là tỷ lệ huy động trẻ đến trường ngày càng tăng. Cả nước hiện có hơn 5,3 triệu trẻ em được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có hơn 1,6 triệu trẻ em 5 tuổi, đạt 99,6% tổng số trẻ trong độ tuổi.
Hà Nội là 1 trong 6 tỉnh, thành phố đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2013. Tính đến nay, toàn thành phố có 1.140 trường mầm non với tổng số hơn 535.000 trẻ, tăng 303 trường so với 10 năm trước. Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi ra lớp đạt 100%.