Giáo viên và nỗi niềm thuê khoán

10:46, 21/10/2020

Dạy học tiết nào tính tiền tiết đó, mức hỗ trợ thuê khoán chỉ được chi trả 10 tháng/năm… Đó chính là những khó khăn khi các nhà trường thực hiện nhiệm vụ năm học và cũng là hạn chế về chính sách thu hút nhân tài phục vụ sự nghiệp giáo dục.

Theo báo cáo của ngành Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020-2021, toàn tỉnh còn thiếu trên 8.700 biên chế giáo viên so với định mức ở các bậc học từ mầm non đến THPT. Bậc học mầm non thiếu nhiều nhất, hơn 2.000 biên chế so với định mức, tiếp đến là bậc tiểu học thiếu trên 1.300 biên chế. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và duy trì hoạt động giáo dục trong các nhà trường, từ năm 2018, tỉnh đã trích nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí cho các trường mầm non, trường phổ thông để thực hiện thuê, khoán phục vụ giảng dạy, nấu ăn. Năm 2018, tỉnh hỗ trợ 149 tỷ đồng; năm 2019 hỗ trợ 216 tỷ đồng và năm 2020 là 271 tỷ đồng. Đây là những chính sách kịp thời để bảo đảm hoạt động giáo dục trong toàn tỉnh thời gian qua.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay chính là người lao động (giáo viên) khi dạy học theo hình thức hỗ trợ thuê khoán không được tham gia bảo hiểm bắt buộc, mà chỉ được tham gia bảo hiểm tự nguyện tại xã, phường nơi cư trú. Do cơ chế hỗ trợ thuê khoán không thực hiện hợp đồng không thời hạn đối với người lao động. Điều này dẫn đến những khó khăn cho cả nhà trường và giáo viên, như: Đa số đội ngũ giáo viên diện thuê khoán đều trong độ tuổi sinh đẻ (từ 22 đến 30 tuổi), lại chiếm đến trên 80% là nữ. Chính vì vậy, khi nghỉ chế độ thai sản, giáo viên không được hưởng bất cứ chế độ gì (vì không tham gia bảo hiểm bắt buộc), lại không có thu nhập do nghỉ dạy học. Khi giáo viên nghỉ thai sản, thì trường buộc phải tìm người thay thế. Sự thay thế này không dễ, bởi lẽ, người thay thế cho dù tốt nghiệp đúng bằng cấp, chuyên ngành..., nhưng chưa qua sát hạch, thi tuyển của ngành, của Hội đồng thi tuyển địa phương thì chưa thể hành nghề. Trong khi việc thi sát hạch mỗi năm chỉ tổ chức một lần.

Bên cạnh đó, việc tìm người thay thế cũng phải có tính lâu dài, vì hoạt động giáo dục là cả quá trình liên tục xuyên suốt, không thể thiếu giờ nào thuê dạy giờ đấy được. Giáo viên phải thực hiện việc đánh giá, theo dõi học sinh, soạn bài, kết nối liên môn, sắp thời gian biểu phù hợp... do đó các nhà trường luôn thiếu hụt giáo viên. Nếu phải dạy vượt giờ, theo quy định thì chỉ giáo viên trong biên chế mới được hưởng và chỉ được hưởng trong giới hạn không vượt quá định mức. Còn giáo viên hợp đồng không được hưởng bất cứ chế độ gì khác ngoài giờ đứng lợp thực dạy.

Trên thực tế, giáo viên hợp đồng cũng như giáo viên trong biên chế cùng nhiệm vụ giáo dục trong nhà trường, khi đi bồi dưỡng chuyên môn, hoạt động ngoại khóa cho học sinh, hoạt động Đoàn, Đội, dạy học lớp có học sinh khuyết tật, họp chuyên môn... đều phải tham gia như nhau, nhưng giáo viên hợp đồng thuê khoán không được hưởng chế độ gì, không được quy đổi, bù trừ số giờ dạy học...

Từ những hạn chế trong thực thi chính sách với đội ngũ giáo viên đã khiến không ít giáo viên không còn mặn mà dành tâm huyết với nghề, buộc phải chuyển hướng sang tìm các hợp đồng lao động khác có thu nhập cao hơn và được tham gia nộp bảo hiểm bắt buộc. Trên thực tế nhiều danh nghiệp như may mặc, điện tử và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn đã và đang ra sức hút nhân lực, khiến không ít giáo viên trẻ phải “giấu” bằng đại học đi làm công nhân.

Năm học 2020-2021 toàn tỉnh cần gần 45.000 định mức thuê khoán thực hiện công tác giảng dạy và trên 19.300 định mức khoán thực hiện nhiệm vụ nấu ăn cấp mầm non. Tuy nhiên đến hết tháng 8-2020 mới thực hiện được 19.126 định mức thuê khoán, đạt gần 30%. Cùng với đó, số kinh phí hỗ trợ của tỉnh cấp mới chỉ thực hiện được trên 92,3/271 tỷ đồng, tương đương với gần 30%. Điều đó cho thấy khó khăn trong khâu tuyển giáo viên khi không có biên chế và không có cơ chế, chính sách thu hút phù hợp.