Xác định Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là nền tảng của sự phát triển, những năm qua, được các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm mở rộng quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, các nhà trường đã chủ động phân luồng, bám sát thị trường lao động, bảo đảm duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS, mở rộng quy mô đào tạo các bậc học THPT và cao đẳng, đại học gắn với nhu cầu xã hội.
Năm học 2020-2021, toàn ngành GD&ĐT đã “về đích” sớm chỉ tiêu về xây dựng trường chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra. Toàn tỉnh hiện có trên 84% trường học đạt chuẩn, tăng trên 4% so với chỉ tiêu; trên 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường nội trú. Đặc biệt, các địa phương đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống trường lớp kiên cố và bảo đảm đạt chuẩn quốc gia, trong đó có gần 20% vốn huy động từ các tài trợ, quyên góp, ủng hộ của nhân dân. Đây chính là nguồn lực quan trọng để toàn xã hội chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và tạo động lực để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.
Trong số hơn 200 trường tiểu học toàn tỉnh đã có gần 95% số trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó, hầu hết đội ngũ giáo viên đều đạt chuẩn theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới. Trước đó, công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 đã được lựa chọn kỹ lưỡng, giáo viên cũng được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận, nghiên cứu sách từ sớm và trải nghiệm qua các tiết dạy thử nghiệm. Về cơ sở vật chất, các địa phương đã chủ động phối hợp với Sở GD&ĐT khai thác các nguồn vốn đầu tư để xây mới và kiên cố hóa thêm gần 500 phòng học, trong đó phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới của bậc tiểu học là gần 200 phòng học.
Học sinh THPT đều được trang bị kiến thức sử dụng Internet và công nghệ máy tính.Trong ảnh: Học sinh trường THPT Nguyễn Huệ thực hành môn tin học.
Toàn tỉnh hiện đã có 683 cơ sở giáo dục (tăng 11 trường so với năm 2015), 1 trường giáo dục và hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi, 1 trung tâm Giáo dục Thường xuyên cấp tỉnh và 9 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện; 178 Trung tâm học tập cộng đồng. Hệ thống giáo dục bậc THPT phát triển rộng và có trọng điểm. Toàn tỉnh hiện có 32 trường THPT, trong đó có một trường chuyên, một trường tư thục và một trường dân tộc nội trú. Chính vì vậy người học thuận tiện trong việc lựa chọn môi trường và hình thức học tập gắn với đào tạo trên nguyên tắc tự nguyện và được Nhà nước kiểm định, cấp phép hoạt động, giám sát chất lượng.
Theo đó, chất lượng giáo dục được nâng lên, người lao động trong độ tuổi từ 18-35 có trình độ từ THCS trở lên tăng từ 60% (năm 2015) lên đến trên 80% (năm 2020). Chất lượng học tập cũng được cải thiện tích cực: Học lực khá của học sinh THCS tăng từ 38% (năm 2015) lên trên 41% (năm 2020); bậc THPT cùng tăng từ 38% lên gần 50%. Từ năm 2015 đến nay, số học sinh đạt giải Học sinh giỏi Quốc gia tiếp tục duy trì, bình quân 51 giải/năm. Chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng cao. Đến nay, 100% giáo viên và cán bộ quản lý của ngành GD&ĐT toàn tỉnh đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo.
Với quy mô và chất lượng GD&ĐT phát triển như hiện nay đã cơ bản đáp ứng kịp thời xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu thị trường lao động. Hàng năm trong số gần 15 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS, đã có 10-15% học sinh chuyển hướng đào tạo nghề, đặc biệt trong số trên 13 nghìn học sinh tốt nghiệp THPT, có gần 40% tham gia đào tạo nghề hoặc định hướng xuất khẩu lao động qua đào tạo chuyên môn theo đơn đặt hàng...
Đối với giáo dục đại học, những năm gần đây đã bắt kịp với xu hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội và xây dựng khung chương trình đào tạo gắn với thực tế sản xuất, kinh doanh của nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các trường thuộc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã bám sát vào các vấn đề thời sự, bám sát mục tiêu, định hướng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh khu vực vùng Việt Bắc. Năm học 2019-2020, hầu hết các chương trình đào tạo của ĐHTN đã được số hóa và xây dựng hệ thống quản lý giáo án, học liệu điện tử; gần 30% hoạt động thực tế, thực tập được kết nối với doanh nghiệp để sinh viên thực hành nghề từ khi còn là sinh viên. Giai đoạn 2015-2020, ĐHTN thực hiện 56 chương trình KHCN, đề tài cấp Nhà nước, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ GD&ĐT, đạt 186% so với chỉ tiêu. ĐHTN xếp thứ 9/35 trường được xếp hạng về chỉ số nghiên cứu khoa học…
Những kết quả đạt được trong 5 năm qua là những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhà trường và cả cộng đồng trong thực hiện chính sách phân luồng, mở rộng mạng lưới giáo dục các cấp, bậc học và phát triển giáo dục theo định hướng nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.