Thiếu giáo viên, nhiều trường học đang gặp khó

09:25, 07/10/2020

Mức thuê khoán giáo viên dạy học còn hạn chế, lại chỉ thực hiện 10 tháng/năm nên không thể tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc khiến giáo viên không mặn mà với công việc. Nhiều trường học đang gặp khó với bài toán thiếu giáo viên.

Năm học 2020-2021, huyện Phú Lương cần thuê khoán 3.576 giáo viên ở cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS), trong đó cấp mầm non cần 1.793 giáo viên, cấp tiểu học là 1.260 giáo viên và cấp THCS là 523 giáo viên. Tuy nhiên, đến nay, số giáo viên mà huyện tuyển dụng được theo cơ chế thuê khoán mới chỉ đạt 60%. Còn đối với huyện Đồng Hỷ, thì cần tuyển 465 giáo viên và nhân viên nấu ăn, nhưng thực tế mới tuyển được 361 lao động. Vì không tuyển được giáo viên nên năm học 2019-2020, ngành Giáo dục và Đào tạo T.X Phổ Yên đã phải trả lại ngân sách Nhà nước cấp gần 8 tỷ đồng. Khó khăn lớn nhất trong việc thu hút giáo viên chính là cơ chế hỗ trợ thực hiện định mức khoán là 10 tháng/năm.  

Cô giáo Bùi Thị Thu Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tức Tranh (Phú Lương) chia sẻ: “Đến thời điểm này, Trường còn thiếu 2 giáo viên. Vì thế, Nhà trường phải cắt số buổi học, học sinh chỉ được học 8 buổi/tuần, thay vì học 9 buổi/tuần theo quy định. Trường đang phải huy động thêm giáo viên tiếng Anh của bậc THCS dạy tăng cường. Thời điểm chuẩn bị khai giảng năm học 2020-2021, một giáo viên diện khoán định mức xin nghỉ, Trường rất lúng túng tìm người bổ sung. Đối với đội ngũ giáo viên hưởng hỗ trợ kinh phí khoán định mức rất khó khăn. Do mức hỗ trợ còn hạn chế, nên họ sẵn sàng bỏ việc khi có một công việc cho thu nhập tốt hơn. Đa số đội ngũ này đã qua đào tạo chuẩn và trên chuẩn, tâm huyết với nghề, nhưng cơ chế hỗ trợ chỉ thực hiện 10 tháng nên khó giữ chân họ. Trên thực tế các thầy, cô chỉ được hỗ trợ 9 tháng/năm, căn cứ việc thực dạy, trong khi nhà trường bao giờ cũng bắt đầu công việc chuẩn bị năm học mới từ tháng 8 hàng năm, nhất là với bậc học mầm non, tiểu học phải chuẩn bị nhiều về môi trường, đồ dùng, thiết bị dạy học... Bên cạnh đó, khi giáo viên hưởng hỗ trợ khoán định mức nghỉ chế độ thai sản thì không được hưởng chế độ gì vì không được tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc...

Trường Tiểu học Xuân Phương là một trong những trường hiện đang thiếu giáo viên nhất huyện Phú Bình. Năm học 2020-2021, Nhà trường có 26 lớp với tổng số 31 giáo viên. Theo quy định và chỉ tiêu được giao năm học này Nhà trường còn thiếu 13 giáo viên. Tuy nhiên, đến nay Nhà trường mới chỉ thuê khoán được 8 giáo viên. Cô giáo Dương Thị Trinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương cho biết: Để đảm bảo việc dạy và học, hiện nay Nhà trường đang phải bố trí giáo viên lên lớp buổi 1 dạy chéo buổi 2. Như thế mới thực hiện được đúng thời khóa biểu số tiết theo quy định”.

Còn cô giáo Đào Thị Hải Giang, Trường THCS Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) phản ánh: “Chúng tôi là giáo viên hưởng hỗ trợ theo khoán định mức, nên trong các đợt tập huấn, hoạt động ngoại khóa của nhà trường đều không được hưởng chế độ hỗ trợ, bù trừ giờ dạy, kể cả chế độ hưởng dạy vượt giờ. Mức hỗ trợ chúng tôi chỉ tham gia bảo hiểm tự nguyện, như vậy chỉ hưởng mỗi chế độ hưu và tử tuất. Không đứng lớp là không được tính tiền. Bên cạnh đó, phụ huynh không bằng lòng với việc cho giáo viên thuê khoán như chúng tôi làm chủ nhiệm, vì công việc không ổn định, không liên tục theo học sinh đến hết cấp...”.

Đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lương cho rằng: “Năm nay là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Chúng tôi ưu tiên cho khối lớp 1 đủ giáo viên biên chế. Còn lại các khối khác chúng tôi phải sử dụng giáo viên hỗ trợ khoán định mức để dạy học. Nếu như không đủ chúng tôi sẽ cho dạy vượt giờ, vượt định mức. Đối với ngành Giáo dục còn có đặc thù riêng là số lớp, số học sinh hàng năm đều tăng, thế nhưng phải thực hiện tinh giản biên chế thì rất khó thu hút giáo viên. Do đó cần có những chính sách riêng để tạo điều kiện cho ngành được tuyển viên chức là giáo viên”.

Có thể thấy, việc thiếu giáo viên khiến các trường học, ngành Giáo dục các địa phương đứng trước nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động dạy và học. Khi giáo viên chưa yên tâm và gắn bó với công việc dạy học thì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.