Gợi mở tư duy sáng tạo của học sinh

14:59, 07/11/2020

Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1. Bằng tình cảm, trách nhiệm với nghề, các thầy, cô giáo đã tích cực tham khảo, trao đổi với nhau về kinh nghiệm dạy học qua từng bài, để trong mỗi giờ học các em học sinh (HS) có thêm nhiều tư duy sáng tạo. Đặc biệt, HS được tiếp cận bài học từ việc nhận biết đến phân tích và có sự tương tác tích cực từ phía gia đình.

Qua hơn 2 tháng các em HS lớp 1 được học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, bước đầu các trường đánh giá chương trình này có nhiều ưu điểm vượt trội. Việc dạy và học diễn ra một cách tích cực, các em HS được trải nghiệm nhiều hơn, chủ động tiếp nhận kiến thức từ trực quan đến tư duy, phân tích sự vật, hiện tượng theo đúng những gì đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Chính vì vậy, bài học trở nên dễ nhớ, dễ liên hệ với bản thân từng HS, đồng thời HS được bày tỏ quan điểm, bộc lộ năng lực tư duy sáng tạo. 

Cô Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (T.P Thái Nguyên) cho biết: Qua nội dung giáo dục, giao việc, các em hoạt động nhiều hơn, giao lưu với nhau, nói lên tâm tư suy nghĩ của mình. Được đưa vào chương trình chính khóa với thời lượng 3 buổi/tuần, sách giáo khoa được thiết kế theo 3 nội dung gồm hoạt động hướng vào bản thân, xã hội và tự nhiên. Nhiều tranh ảnh sinh động, giúp cho HS ghi nhớ các tình huống cụ thể trong cuộc sống. Được biết, năm học 2020-2021, toàn bộ các lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đều được trang bị màn hình, máy chiếu để đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng. Vì vậy, quá trình dạy - học của cô trò trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả và hấp dẫn hơn. HS rất hào hứng và tiếp thu nhanh những yêu cầu mà bài học đề ra.

Ví dụ như làm quen với các âm tiết, chữ cái đã trở nên hứng thú, cuốn hút HS lớp 1 khi mỗi âm, chữ đều kèm theo những hình ảnh minh họa, qua đó HS biết thêm nhiều chữ cái và nhìn vào tivi giúp em dễ nhớ được những chữ đã được học. Cô giáo Lê Thị Kim Chi (Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân)  phân tích: Môn Hoạt động trải nghiệm qua bài “Nét độc đáo, khác biệt của mỗi người” đã giúp các em thấy được giá trị, nét độc đáo của bản thân, đồng thời nhận biết và tôn trọng sự khác biệt của thành viên trong lớp, gia đình… Đây là bài học cần thiết để các con luôn tự tin vào bản thân cũng như có cách nhìn khách quan, tôn trọng khi giao tiếp với bạn bè, thầy cô và mở rộng bên ngoài nhà trường. Để thêm sinh động và hiệu quả cho mỗi giờ học, toàn bộ 14 giáo viên dạy lớp 1 đều phải chủ động chế tạo thiết bị dạy học, như làm thẻ màu cho môn Toán, làm thêm các nhạc cụ môn Âm nhạc... Tuy giáo viên bận hơn, nhưng sau mỗi bài học sẽ thoải mái hơn vì HS đều hiểu bài.

Còn cô giáo Phạm Ngọc Châm Anh, Trường Tiểu học Phú Xá (T.P Thái Nguyên) nhận xét: So với chương trình sách giáo khoa trước, sách giáo khoa mới, thời lượng dành cho môn Tiếng Việt lớp 1 là 420 tiết (12 tiết/tuần), còn trước đây là 350 tiết (10 tiết/tuần). Như vậy HS lớp 1 sớm đọc thông viết thạo, có công cụ để học tốt các môn học khác. 

Cô Phạm Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Xá cho biết thêm: Sau 2 tháng “vận hành”, điều dễ nhận thấy là HS, đã biết mang cuộc sống vào bài học và ngược lại. Có những bài học môn Toán đã gợi mở, HS học xong còn nhận thức vượt qua chương trình. Ví dụ: Tình huống bài học chương trình trước đây HS chỉ học phép cộng giới hạn đến 10, những về nhà các em đã có thể đưa ra tình huống vượt hơn thế, khi đếm thành viên trong gia đình thường ngày và những ngày nghỉ có thêm khách, hoặc ông, bà, người thân... Hoặc như môn Tiếng Việt bộ sách Cánh diều, HS lớp 1 được liên hệ thực tế ở địa phương. Các em có thể sáng tạo liên hệ nói về trường mình, theo địa chỉ, những đặc điểm tiêu biểu về cảnh quan, lịch sử... Trở về HS sẽ tương tác với phụ huynh để hoàn chỉnh cách liên tưởng, diễn đạt...

Có thể nói, sự vào cuộc chủ động và sáng tạo của các trường, bước đầu cho thấy những chuyển biến mới trong việc tổ chức dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Sự chuyển biến trong nhận thức của HS không còn phụ thuộc vào điểm số mà chính là phụ huynh cảm nhận được sự nhận biết và phân tích của con em mình theo từng chủ đề qua cách tổ chức dạy học và trải nghiệm của giáo viên. Tuy nhiên, để bảo đảm ổn định, các trường đều cần có sự đầu tư tích cực về thiết bị dạy học và hệ thống phòng học chức năng.