Người lặng lẽ đưa "đò" qua sông

10:49, 13/11/2020

Luôn tâm huyết với sự nghiệp trồng người, khiêm tốn, giản dị, dịu dàng… là những nhận xét của đồng nghiệp về cô Đinh Thị Huyền, giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn của Trường THCS Chu Văn An (T.P Thái Nguyên). Cô cũng là một trường hợp rất đặc biệt khi vừa là giáo viên, vừa là cựu học sinh của mái trường này.

Trong tiết trời se lạnh của ngày chớm đông, câu chuyện giữa chúng tôi và cô giáo dạy Văn đầy nhiệt huyết ấy càng thêm phần “thi vị”. Nhớ về những ngày còn là học sinh của Trường THCS Chu Văn An, cô Huyền nhớ lại: “Hồi ấy, cơ sở vật chất của trường còn đơn sơ lắm, nhưng tinh thần học tập thì tràn đầy nhiệt huyết. Là trường THCS chuyên duy nhất của thành phố nên phương pháp đào tạo của Trường cũng có sự khác biệt. Đơn cử như với lớp chuyên văn, ngay từ khi học lớp 6, chúng tôi đã được tham gia các câu lạc bộ thơ, văn… để phát huy sở trường của mình. Thích nhất là các hoạt động ngoại khóa do Nhà trường tổ chức cho lớp Văn. Mỗi một địa điểm ngoại khóa đều mang ý nghĩa đặc biệt, giúp học sinh được tìm hiểu thực tế, trau dồi kiến thức và năng lực văn học".

Dù đã 24 năm trôi qua, nhưng cô Huyền vẫn nhớ mãi về lần trải nghiệm thực tế tại hồ Núi Cốc (năm học lớp 6). Khi ấy, các hoạt động đốt lửa trại, chuyển thể các tác phẩm văn học (bằng hình thức sân khấu hóa) đã giúp học sinh yêu môn học hơn; tình cảm thầy trò khăng khít, gắn bó hơn… Với cô, môi trường học tập ấy chính là bước đệm vững chắc để cô hoàn thành ước nguyện trở thành học sinh của Trường THPT Chuyên Thái Nguyên; sinh viên Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và sau này là cô giáo dạy Văn.

Kể về cơ duyên được quay trở lại Trường THCS Chu Văn An giảng dạy, cô Huyền nói: “Năm 2006, tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại giỏi, tôi được tuyển thẳng lên cao học và hoàn thành chương trình vào năm 2008. Thật may mắn khi năm 2009 đúng là thời điểm nhà trường có chỉ tiêu giáo viên văn và việc tuyển dụng thực hiện theo hình thức xét tuyển. Nhờ đó, với tấm bằng loại giỏi và đã hoàn thành chương trình cao học nên tôi trúng tuyển và trở thành giáo viên ở ngôi trường có bề dày thành tích này".

Với cô Huyền, những ngày đầu được đứng trên bục giảng trong vai trò là người thầy không hề dễ dàng. Dù kiến thức về bộ môn ngữ Văn của cô khá phong phú nhưng kinh nghiệm giảng dạy thực tế lại không có. Đây chính là áp lực rất lớn mà cô phải trải qua, nhất là ở môi trường này, giáo viên đều có trình độ, chuyên môn vững vàng, học sinh thì chăm ngoan, học giỏi. Bởi lẽ ấy, để hoàn thiện bản thân, cô đã nỗ lực trau dồi nghiệp vụ, tự nghiên cứu để có phương pháp giảng dạy khoa học, dễ hiểu, từ đó giúp học sinh yêu thích môn học. Sự nỗ lực của cô đã được Ban Giám hiệu Nhà trường ghi nhận. Vì vậy, chỉ sau hai tháng được tuyển dụng, lãnh đạo Nhà trường đã khuyến khích cô tham gia kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Cô nói: “Khi tham gia kỳ thi này, tôi rất lo lắng. Nhưng tôi nghĩ, đây vừa là thử thách, vừa là cơ hội nên đã cố gắng hết mình”. Và thành quả cô thu được là danh hiệu giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp thành phố đầu tiên, trong đó có tiết giảng đạt điểm tuyệt đối (20/20 điểm).

Từ kết quả ấy, hai năm sau (2011), cô Huyền đã được Nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ giảng dạy môn Văn lớp 9 và bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn của Trường. Từ đó đến nay, năm nào đội tuyển cũng có học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh, thành phố. Thậm chí có năm, 100% học sinh dự thi đều đạt giải cấp thành phố và cấp tỉnh.
Những năm gần đây, việc giảng dạy môn Văn đã có nhiều đổi mới. Không chỉ giúp học sinh lĩnh hội được kiến thức, việc dạy học đòi hỏi phải phát huy được tính chủ động, tích cực, năng lực sáng tạo của học sinh. Do đó, cô Huyền đã luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy để phù hợp với yêu cầu mới. Đơn cử như với bài học “Ôn tập truyện dân gian”, cô phân công các nhóm học sinh hoàn thành dự án học tập của mình theo nhiều hình thức khác nhau như chuyển thể tác phẩm bằng các hoạt cảnh, vẽ tranh, sáng tác thơ, viết lại truyện… Bằng phương pháp giảng dạy linh hoạt như vậy, chất lượng các bài giảng của cô được nâng lên, hiệu quả tiếp thu bài của học sinh tốt hơn…   

Lặng lẽ đưa 11 “chuyến đò” qua dòng sông “tri thức”, “gia tài” cô Huyền có được ngoài những tấm bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, UBND thành phố; 3 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, dạy giỏi xuất sắc cấp tỉnh và 6 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, dạy giỏi xuất sắc cấp thành phố… là bao câu chuyện cảm động về học sinh. Cô kể: “Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi hiện nay, nhiều học sinh đã học lên THPT hoặc vào đại học vẫn không quên ghé thăm cô giáo cũ. Đáng nhớ nhất là trường hợp em Bế Cao Sơn, một học sinh có hoàn cảnh khó khăn và rất cá tính. Dù bị mắc căn bệnh hiểm nghèo, phải trải qua biết bao nhiêu lần vào bệnh viện, truyền hóa chất và phải kiên trì dùng thuốc nhưng ở Sơn luôn có một nghị lực phi thường. Em giấu nỗi buồn, nỗi đau cho riêng mình để động viên cha mẹ, người thân. Ý chí ấy của em khiến tôi vô cùng khâm phục. Sự chia sẻ, động viên của tôi với Sơn trong năm học đó cũng phần nào giúp em có thêm nghị lực và niềm tin, vượt qua bệnh tật và vươn lên trong học tập. Điều đó khiến tôi cảm thấy vô cùng vui mừng và càng vui hơn khi cuối năm học đó, cậu trò nhỏ đã đỗ vào Trường THPT Chuyên và hiện nay đã là sinh viên năm thứ nhất đại học. Gặp lại Sơn khi em về thăm trường cũ, gương mặt rạng ngời, nụ cười tươi rói của em khiến tôi rưng rưng xúc động. Lúc ấy, lại thấy yêu nghề hơn bao giờ hết".

Khi nói đến các thế hệ học trò của mình, ánh mắt cô Huyền đong đầy niềm vui. Với cô, hạnh phúc lớn lao nhất chính khi người giáo viên đã chắp cánh cho học sinh của mình bay cao, bay xa đến những chân trời mới, rộng mở với muôn vàn ánh hào quang…