Ngày 22-12, Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) tổ chức Hội thảo khoa học về dạy học tích cực và hòa nhập cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Nha trường và trên 100 cán bộ, giảng viên cốt cán các khoa và đại diện sinh viên, Trung tâm thực hành,Viện nghiên cứu.
Đây là nội dung thuộc Dự án nâng cao năng lực dạy học tích cực và hòa nhập cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Aus4skills, Trường Đại học La Trobe (Australia) với Trường Đại học Nông lâm. Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của các chuyên gia của Đại học La Trobe.
Với trên 20 tham luận và 10 nhóm thảo luận tổ, các đại biểu đã trao đổi trực tiếp về những thuận lợi, khó khăn khi tổ chức dạy học tích cực và hòa nhập cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ưu điểm phương pháp dạy học đã thu hẹp khoảng cách về tâm lý, khả năng tư duy sáng tạo của giảng viên với sinh viên. Đặc biệt trong hoạt động nhóm và dạy học trực tuyến, sinh viên được tham gia trực tiếp vào các hoạt động xây dựng nội dung học tập, nghiên cứu và chủ động giải quyết các vấn đề thông qua hướng dẫn của giảng viên và các tài liệu tham khảo. Một số khó khăn đó là khâu chia nhóm, phân loại đối tượng người học phải phù hợp điều kiện các vùng miền. Chính vì vậy, vai trò tổ chức học tập của giảng viên rất quan trọng trong khâu chuẩn bị phương pháp tiếp cận kiến thức. Một số ý kiến đưa ra những giải pháp xây dựng nội dung học tâp hòa nhập đối với sinh viên vùng cao cần tăng tính thực hành và thiết kế mô hình thực hành gắn liền với không gian học tập...
Để thực hiện tốt những yêu cầu về hoc tập tích cực và hòa nhập, một số sinh viên mong muốn cần trang bị trước những kỹ năng mềm để sinh viên vùng cao, vùng khó khăn có thể tự tin bày tỏ quan điểm, nhận thức và đề xuất, thậm chí có phản biện những vấn đề phát sinh trong học thuật. Bên cạnh đó, phương pháp dạy học mới cần có sự thiết kế linh hoạt thời khóa biểu, khung chương trình cho từng môn học.