Với phương châm đào tạo nguồn nhân lực theo thực tế phát triển của xã hội để người sử dụng lao động đánh giá chất lượng đào tạo, những năm gần đây, các trường đại học thành viên Đại học Thái Nguyên đã chủ động đào tạo nhân lực gắn với thực tế nhu cầu sử sụng trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Môi trường thực tập và giảng đường là một
Xuất phát từ yêu cầu khách quan của quy luật kinh tế, quy luật cung cầu, đảm bảo hài hòa lợi ích ba bên: Nhà nước b- Nhà trường - Doanh nghiệp, những năm gần đây trong các nhà trường của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) luôn có sự đồng hành của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân lực, hoặc nhà trường trực tiếp mời doanh nghiệp tham vấn bổ sung nội dung vào chương trình đào tạo, nâng cao tính hiệu quả và rút ngắn thời gian thử việc, học việc của các cử nhân sau khi tốt nghiệp, quan trọng hơn là sinh viên khi tốt nghiệp tự tin lựa chọn cho mình việc làm với mức thu nhập theo năng lực.
Khảo sát trong sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp cho thấy: Việc lựa chọn mục tiêu học tập theo nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở các chương trình đào tạo tiên tiến, nhập khẩu, mà lan rộng thành phong trào trong toàn trường. Năm 2015, khi Nhà trường thực hiện mục tiêu chuẩn hóa ngoại ngữ (tiếng Anh) Toefl ITP 400 điểm đối với sinh viên tốt nghiệp, đồng thời các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo với Trường đưa ra tiêu chí sinh viên phải đảm bảo tiêu chuẩn ngoại ngữ khi tham gia thực tập, rèn nghề. Từ đó, sinh viên đã nhận thấy: Muốn có môi trường làm việc hiện đại, chuẩn quốc tế và có thể tham gia thị trường lao động trình độ kỹ sư tại các nước trên thế giới, thì đồng nghĩa với việc phải cập chuẩn.
PGS.TS Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo chia sẻ: “Từ năm 2015 đến nay, Nhà trường vinh dự được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các tổng công ty lớn trong nước đến tham gia vào quy trình đào tạo kỹ sư cơ khí và điện, điển hình như Cannon, Toyota, Samsung, Tổng công ty Lilama, Tổng công ty Sông Đà…Doanh nghiệp đến Nhà trường tìm nhân lực, đồng thời khuyến nghị đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo. Họ đưa ra các ý kiến là đào tạo đại học cũng cần phân luồng, những người có thiên hướng nghiên cứu khoa học tập thfi tập trung đào tạo bài bản, lấy trọng tâm là nghiên cứu, còn lại đào tạo theo hướng thực hành, ứng dụng. Điểm mới là sinh viên thực tập tăng từ 6 tuần lên đến 15 tuần tại doanh nghiệp, đồng thời nhà trường cũng đồng bộ khoảng thời gian thực tập đó, coi công xưởng và giảng đường là một”.
Sinh viên Nguyến Quang Hào, khoa Điện K52 tâm sự: “Em xác định từ đầu là học để tìm kiếm cơ hội làm việc trong các liên doanh nước ngoài, nên em đã dành nhiều thời gian học tiếng Anh ngay từ năm đầu, khi đạt chuẩn tốt nghiệp thì cũng là lúc đi thực tập. Tại môi trường làm việc của Cannon, với kiến thức đã học và vốn tiếng Anh đã có em nhanh chóng quen với môi trường làm việc, đồng thời giám sát kỹ thuật Công ty đã tiến cử em hưởng hỗ trợ hàng tháng 5 triệu đồng, sau 3 tuần chuyển vị trí vận hành sang điều khiển và giám sát”.
Được biết, hàng năm Trường cử trên 400 sinh viên thực tập, thực hành tại các doanh nghiệp trên. 100% sinh viên sau khi hoàn thành thực tập tại các doanh nghiệp tham gia hợp tác đào tạo với các trường sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp này tuyển dụng, đồng thời hỗ trợ đào tạo bổ sung tại doanh nghiệp hoặc tại các nước có công nghệ tiên tiến liên doanh sản xuất và trả lương từ 7-10 triệu đồng/tháng.
Đào tạo theo đặt hàng
Thạc sĩ Hoàng Thị Phương Nga, Khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học) cho biết: “Hàng năm, các doanh nghiệp làm du lịch trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên đặt hàng tiếp nhận hàng nghìn sinh viên thực tập và tuyển dụng. Nếu chỉ ngồi trên giảng đường thì không thể có con người làm du lịch, do đó, Trường đã ký kết với trên 30 doanh nghiệp hợp tác đào tạo. Nhà trường cùng đã dành 25-30% phân phối chương trình đào tạo theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp. Gắn bó với doanh nghiệp, sinh viên được trải nghiệm và bắt tay trực tiếp với công việc. Điều này nhà trường rất khó thực hiện vì kinh phí hạn hẹp và không thể thường xuyên tổ chức cho sinh viên đi thực tế làm du lịch tại các vùng miền nhiều tuor tuyến được... Nếu chỉ dùng kiến thức sách vở thì sinh viên sẽ hạn chế trong giao tiếp, tổ chức chuỗi hoạt động du lịch”.
Còn với sinh viên Trường Đại học Y - Dược, khi tham gia học chương trình đào tạo nhân lực cho đối tác Nhật Bản, mỗi năm trên 100 chỉ tiêu, sinh viên bắt buộc phải nâng cao trình độ ngoại ngữ và làm quen với môi trường chăm sóc sức khỏe quốc tế với trang thiết bị hiện đại, tác phong công nghiệp... Tiến sĩ Nguyễn Quang Đông, Bí thư Đoàn trường nhận xét: “Từ năm 2018, Trường được Công ty Y Work Surport Y-Nhật chọn làm cơ sở đào tạo nhân lực ngành chăm sóc sức khỏe vừa là vinh dự, những cũng là những yêu cầu sinh viên phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, Nhà trường không chỉ đổi mới môi trường đào tạo mà thay đổi cả phương pháp đào tạo để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, trong đó phải song song thực hiện trang bị đầy đủ kiến thức và trang bị kỹ năng làm việc, học tập theo các chuẩn của đối tác”.
Mặc dù mô hình đào tạo theo đặt hàng mới chỉ được các doanh nghiệp lựa chọn ở một số khoa, ngành nghề đào tạo, nhưng điều dễ nhận thấy là xu hướng đào tạo mở và quy luật cung cầu đối với nguồn nhân lực chất lượng cao đang được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Từ thực tế này cho thấy môi trường đào tạo bắt buộc phải nâng cao chất lượng và cập các quy chuẩn quốc tế, đồng thời phải nhạy bén với thị trường lao động và phân luồng định hướng đào tạo ngay trong trường đại học.