Khơi dậy đam mê sáng tạo khoa học trong trường học

10:40, 18/12/2020

Nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của các em học sinh, những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lương luôn chú trọng khuyến khích các cấp học trên địa bàn tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT). Qua đó góp phần lan tỏa được phong trào thi đua nghiên cứu khoa học (NCKH) trên địa bàn huyện.

Nếu như trước đây, việc thực hiện các sản phẩm khoa học đối với thầy và trò Trường THCS Hợp Thành còn khá lạ lẫm; việc tham gia cuộc thi về KHKT chưa thực sự được quan tâm thì nay Trường đang là một trong những đơn vị đi đầu trên địa bàn huyện về phong trào NCKH.

Cô Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Thành chia sẻ: Vài năm gần đây, được Phòng Giáo dục - đào tạo tuyên truyền, hướng dẫn triển khai hoạt động NCKH và cuộc thi về KHKT, thầy và trò nhà trường đã dần nhận thấy được tầm quan trọng của việc sáng tạo khoa học đối với công tác nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay. Trên cơ sở kế hoạch của cấp trên, nhà trường cũng phát động cuộc thi KHKT cấp trường, qua đó không chỉ nhằm lựa chọn những sản phẩm dự thi chất lượng, có tính thực tiễn cao để gửi lên huyện mà còn tạo phong trào thi đua sáng tạo khoa học trong toàn trường. Ngoài ra, nhằm khích lệ các thầy cô và học sinh tham gia NCKH, nhà trường cũng hỗ trợ kinh phí cho các nhóm dự thi và có khen thưởng đối với những sản phẩm đạt giải cấp huyện, tỉnh. Nhờ vậy, số lượng, chất lượng các sản phẩm gửi tham gia dự thi đã tăng dần theo hàng năm. Năm học 2019-2020, toàn trường có 34 sản phẩm dự thi KHKT. Trong đó có 3 sản phẩm đạt giải Đặc biệt, Nhì, Khuyến khích trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV năm 2020; 1 giải Nhì trong cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học.

Việc triển khai các cuộc thi về KHKT không chỉ góp phần giúp cho cán bộ, giáo viên và học sinh trên toàn huyện nhận thức được đúng đắn về lợi ích của việc NCKH mà còn tạo được phong trào thi đua sáng tạo KHKT tại các cấp học từ khu vực đô thị đến vùng đặc biệt khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phú Đô cho biết: Nằm ở xã vùng xa của huyện với trên 60% học sinh là người dân tộc thiểu số nên nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các cuộc thi KHKT. Bởi lẽ, phần lớn học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nên việc tiếp cận các kiến thức khoa học, xã hội thông qua mạng Internet và điều kiện kinh tế còn hạn chế. Tuy nhiên, vượt lên hoàn cảnh, được sự hỗ trợ, khuyến khích của Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã xác định các lĩnh vực phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội tại địa phương để tập trung nghiên cứu. Với sự quyết tâm của thầy và trò, năm học 2016-2017, Nhà trường đã đạt giải cấp tỉnh đầu tiên với đề tài “Máng ăn thông minh giành cho gia cầm”. Giải thưởng này đã truyền cảm hứng cho các thầy cô và học sinh trong trường hăng hái tham gia sáng tạo khoa học trong những năm học tiếp theo.

Em Nguyễn Thị Diệu Linh, Học sinh lớp 9B, Trường THCS Phú Đô chia sẻ: Trước đây, em chưa từng tham gia sáng tạo khoa học bao giờ vì nghĩ rằng việc này quá khó. Tuy nhiên, được được sự quan tâm, vận động của thầy cô và thấy được thành tích đạt được của các anh chị khóa trước nên năm học này em đã mạnh dạn đăng ký tham gia nghiên cứu đề tài Khám phá di tích lịch sử Đình Làng Pháng (xã Phú Đô). Thông qua việc tham gia cuộc thi đã tạo cơ hội cho chúng em được vận dụng kiến thức đã học trong sách vở vào thực tế; làm quen với công tác nghiên cứu khoa học và được hiểu rõ hơn về kiến thức lịch sử văn hóa truyền thống của người dân tộc Sán Chay.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2015 đến nay, cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học đã thu hút 100% đơn vị giáo dục trên địa bàn huyện tham gia với hơn 150 dự án, đề tài. Riêng năm học 2019-2020, toàn huyện đã có 28 dự án tham gia thi cấp tỉnh, trong đó có 1 dự án đạt giải Nhì và 1 dự án đạt giải Ba. Bên cạnh cuộc thi của ngành Giáo dục, hằng năm, Phòng cũng phối hợp với Huyện đoàn tổ chức triển khai cuộc thi “Sáng tạo dành cho Thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Thái Nguyên” tới 100% các trường. Năm 2020, toàn huyện thu hút được 120 bài dự thi và có 8 sản phẩm đạt giải cấp tỉnh, trong đó có 1 giải Đặc biệt của em Lương Hải Anh (Trường THCS Hợp Thành) với sản phẩm “Hệ thống xả nước bán tự động cho nhà vệ sinh”.

Bà Vũ Thị Hảo, Phó Trưởng phòng Giáo dục - đào tạo huyện cho biết: Các cuộc thi không chỉ tạo ra sân chơi bổ ích để học sinh thể hiện năng lực NCKH, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo mà còn giúp cán bộ, giáo viên nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành. Trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của các cuộc thi KHKT; tiếp tục chỉ đạo các trường thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục STEM; tổ chức các chương trình ngoại khóa, tập huấn về KHKT cho giáo viên và học sinh… Qua đó nhằm đẩy mạnh hoạt động NCKH tại các cấp học, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng toàn diện.



Tường thuật xổ số miền bắc siêu nhanhCách Tạo dựng thói quen tốt Các dạng bài ielts writing task 2