Nâng trách nhiệm, tăng chất lượng đào tạo văn bằng 2

11:48, 06/12/2020

Những năm gần đây, với cách thức đào tạo linh hoạt, hình thức đào tạo văn bằng 2 ngày càng phổ biến và là nhu cầu của nhiều người nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời. Những sai phạm của Trường Đại học Đông Đô là cá biệt, song vẫn là tiếng chuông cảnh báo, đòi hỏi các cấp quản lý, nhà trường nâng cao trách nhiệm ở mọi khâu và cùng hướng đến mục tiêu chung là bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người học.

Rà soát công tác đào tạo văn bằng 2

Bên cạnh hình thức đào tạo chính quy, hiện nay, ở hầu hết cơ sở đào tạo đều tổ chức thêm nhiều hình thức đào tạo khác như đào tạo văn bằng 2, đào tạo liên thông, đào tạo liên kết... Việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, trong đó có đào tạo văn bằng 2 đã kịp thời đáp ứng nhu cầu học tập của người học, mở thêm cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho nhiều người, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các hình thức đào tạo này đã bộc lộ những bất cập, mà vụ việc xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô là một ví dụ.

Liên quan đến các sai phạm của Trường Đại học Đông Đô, thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sự việc là bài học cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm trong toàn ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm trên cả nước rà soát công tác đào tạo liên thông, đào tạo liên kết..., nhất là công tác đào tạo văn bằng 2, đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành. Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận, công tác quản lý nhà nước còn một số bất cập, cần tiếp tục được chấn chỉnh, hoàn thiện. Quan điểm của Bộ là nghiêm khắc, kiên quyết xử lý sai phạm. Khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức về sai phạm tại đơn vị này, Bộ sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm đối với những đơn vị, cá nhân có liên quan.

Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Trường Đại học Đông Đô rà soát, thu hồi, hủy bỏ các văn bằng được cấp sai quy định. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, các cơ sở đào tạo khác cũng đang khẩn trương rà soát, báo cáo danh sách những người đã sử dụng văn bằng 2 ngoại ngữ của Trường Đại học Đông Đô và xây dựng, đề xuất phương án xử lý cụ thể cho từng trường hợp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, đối với trường hợp sử dụng bằng không hợp pháp làm điều kiện “đầu vào” hoặc điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ thì cơ sở đào tạo căn cứ vào tính chất, mức độ để có hình thức xử lý phù hợp, thậm chí có thể cho dừng học hoặc thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp.

Tự chủ đi liền với trách nhiệm

Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, các cơ sở đào tạo được phép tự chủ mạnh mẽ, trong đó có tự chủ về hoạt động chuyên môn (được tự chủ trong mở ngành, tuyển sinh, đào tạo...), tài chính, tổ chức và nhân sự. Đây là cơ hội để các nhà trường sáng tạo và linh hoạt trong mọi hoạt động để phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của người học, song cũng đặt ra yêu cầu về quản lý, tổ chức đào tạo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, các nhà trường có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của Luật, thực hiện quyền tự chủ đi liền với trách nhiệm giải trình không chỉ với cơ quan quản lý, mà cả với người học, với xã hội; đồng thời, có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn do nhà nước quy định.

Là một trong những trường có quy mô đào tạo lớn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, để công tác đào tạo văn bằng 2 bảo đảm chất lượng, nhà trường coi trọng cả quy trình đào tạo và việc quản lý văn bằng. Theo đó, nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tất cả hoạt động liên quan đến quá trình đào tạo của người học đều được mã hóa, không thể có sự can thiệp. Ngoài ra, việc quản lý văn bằng được thực hiện theo một đầu mối với quy trình chặt chẽ, có cơ sở dữ liệu đầy đủ về thông tin của các văn bằng. Nhà trường cũng thông tin công khai các văn bằng được cấp trong khoảng từ 10-15 năm trở lại đây. Người học chỉ cần cung cấp số bằng là có thể tra cứu được bằng đó có phải bằng giả hay không.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho hay, trung bình mỗi năm nhà trường có khoảng 300 sinh viên theo học hệ đào tạo văn bằng 2. Các quy định liên quan đến công tác đào tạo, quản lý, cấp phát văn bằng 2 hiện nay khá chặt chẽ. Để bảo đảm chất lượng đào tạo văn bằng 2, nhà trường có nhiều giải pháp, trong đó có việc bảo đảm sự tương đồng về chất lượng giữa các chương trình đào tạo của hệ chính quy và hệ văn bằng 2. Theo đó, chương trình đào tạo nào cũng phải được kiểm định, đáp ứng cùng chuẩn “đầu ra”.