Trường lớp tăng, biên chế giáo viên giảm

10:45, 09/12/2020

Giảm biên chế trong ngành giáo dục trong khi quy mô trường lớp ngày càng tăng lên, dẫn đến thiếu giáo viên trong các trường học. Mỗi năm tỉnh hỗ trợ bằng nguồn ngân sách hàng trăm tỷ đồng cho các trường giải quyết bài toán chống quá tải, thiếu giáo viên, nhưng chỉ là giải pháp tình thế.

Đến thời điểm này của năm học 2020-2021, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai vẫn còn thiếu 30 giáo viên cho cả 3 bậc học từ THCS đến mầm non. Trong đó bậc mầm non thiếu 20 chỉ tiêu, một số trường THCS không tuyển được giáo viên dạy môn tiếng Anh. Khó khăn chính là thực hiện cơ chế và chính sách thu hút, giữ chân giáo viên.

Theo đồng chí Hà Mạnh Cương: “Vùng cao có nhiều điểm trường lẻ thuộc cấp học mầm non, tiểu học nên việc áp dụng giao định mức khoán theo nhóm nhà trẻ là không phù hợp, vì ở điểm trường tuy không đủ nhóm trẻ, nhưng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì phải có đầy đủ các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, nên khi không có đủ biên chế giáo viên cũng như định mức khoán thì ở các điểm trường lẻ chỉ có 1 giáo viên nuôi dạy, dẫn đến vượt thời gian làm việc của người lao động. Mặc dù năm 2020, UBND tỉnh đã tăng kinh phí định mức, nhưng một số giáo viên đã làm đơn xin nghỉ để đi làm nghề khác tại các doanh nghiệp để có thu nhập tốt hơn và có thời gian làm việc ổn định, được nhiều quyền lợi tham gia các chế độ bảo hiểm...”.

Đối với huyện Phú Bình, do không tìm được nguồn giáo viên hợp đồng theo chế độ định mức khoán, nên hiện các cấp học vẫn thiếu gần 70 giáo viên giảng dạy. Đồng chí Kiều Thị Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Tỷ lệ giáo viên trong biên chế toàn huyện mới đạt 63% nhu cầu giảng dạy thực tế trong các nhà trường, do đó các trường phải thuê giáo viên hợp đồng. Nhưng chế độ đãi ngộ chưa thực sự làm đội ngũ giáo viên hợp đồng thuê khoán an tâm, như: thanh toán theo số tiết thực dạy, nhưng với những môn dặc thù, ít tiết trong 1 tuần, lại ở các trường vùng sâu, vùng xa... thì khó thuê được giáo viên. Bên cạnh đó, các hoạt động đào tạo, tập huấn chuyên môn theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới, sinh hoạt nghiệp vụ, hoạt động Đoàn, Đội, hoạt động sư phạm ngoại khóa... đội ngũ giáo viên hợp đồng thuê khoán này không được chi trả, hỗ trợ bất cứ khoản nào, cũng không được quy đổi sang giờ đứng lớp. Khó khăn nhất với đội ngũ giáo viên này chính là cơ chế sử dụng đã không khuyến khích được tương lai cho họ gắn bó lâu dài với nghề nghiệp. Chế độ hỗ trợ khoán định mức chỉ cho 10 tháng, trong khi chế độ bảo hiểm bắt buộc lại không được tham gia, dẫn đến khi nghỉ thai sản, ốm đau... những giáo viên này không được hưởng bất cứ chế độ nào. Và không đi dạy, đồng nghĩa không có thu nhập”.

Vì thiếu giáo viên, dẫn đến không ít trường rơi vào tình huống “săn tìm” giáo viên. Cô giáo Nguyễn Huệ Oanh, Hiệu trường Trường THCS Quang Trung (T.P Thái Nguyên) đã không ít tuần phải trực điện thoại thông qua công cụ Zalo để tìm kiếm giáo viên. Với những môn có ít tiết trong tuần, như Thể dục, Mỹ thuật, Âm nhạc càng khó tìm giáo viên. Chính vì vậy, có thời điểm Trường thuê được thầy giáo dạy Thể dục của Trường Tiểu học Tân Long (T.P Thái Nguyên) tham gia dạy khi Trường có tiết đó. Nhưng thời khóa biểu không phù hợp là không thể thuê được. Bên cạnh đó, việc đi lại xa, lại dạy nhiều trường trong ngày, cũng có lúc muộn giờ... nên thầy giáo đó tự bỏ cuộc. Tương tự như vậy, cô giáo dạy Âm nhạc “chạy” 2 trường (THCS Tân Lập và THCS Quang Trung), nhưng cũng chỉ được một thời gian rồi nghỉ. Có ngày chỉ có 1 tiết học tại 1 trường, thì cũng phải dành mất cả buổi, thời gian còn lại khó có thể tìm được công việc gì phù hợp lại có thu nhập nửa buổi còn lại...

Cô Oanh tâm sự “Đa số giáo giáo viên đến với nghề đều tâm huyết và rất chịu khó, nhưng khó là cơ chế, chính sách chưa thực sự làm đội ngũ giáo viên này yên tâm gắn bó với nghề.