Tham dự Kỳ thi “Thử thách nhà Toán học tương lai” năm 2019 (CFM 2019) tại Indonesia từ 27/12/2019 đến 30/12/2019, đoàn Hà Nội đại diện Việt Nam đã xuất sắc giành giải Nhất toàn đoàn. Đây là năm thứ tư liên tiếp đoàn Việt Nam tham gia và đạt thành tích cao tại kỳ thi này.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đoàn CFM 2019 Việt Nam có 52 thí sinh và 20 giáo viên của các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Nam Từ Liêm đã mang về thành tích ấn tượng với 10 Huy chương Vàng, 21 Huy chương Bạc, 16 Huy chương Đồng, 1 giải Khuyến khích đối với giải cá nhân; 2 giải Vô địch, 2 giải Nhất, 5 giải Nhì đối với giải đồng đội. Đặc biệt, ở Giải Game Puzzle, Việt Nam thắng cả 3 giải cao nhất: giải Nhất, giải Nhì, giải Ba.
Trong số các đội thi, đoàn học sinh trường THCS Giảng Võ có thành tích nổi bật với cả 8 học sinh đều giành 8 huy chương cá nhân (gồm: 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng). Em Mai Hà Dũng - lớp 6A1 của trường giành Cúp vô địch kỳ thi. Về đồng đội, học sinh khối 8 của trường giành cúp Bạc.
Với 3 cấp độ: tiểu học, THCS, THPT, CFM 2019 gồm hai phần thi cá nhân và thi nhóm. Tại phần thi cá nhân, học sinh phải trải qua 20 câu hỏi ngắn và 5 câu giải quyết tình huống. Phần thi nhóm, mỗi đội sẽ bao gồm các thành viên là thí sinh đến từ tất cả các nước/vùng tham dự.
Mỗi nước/vùng tham dự phải gửi 10 câu trả lời ngắn và 2 câu hỏi tình huống qua email. Mỗi câu hỏi phải có phần giải pháp/câu trả lời bằng tiếng Anh được gửi kèm theo và phải phù hợp với từng cấp độ.
Thí sinh không được phép mang theo sách vở, máy vi tính, máy tính cầm tay khi đang thi, trừ các thiết bị đo lường như thước kẻ, thước đo góc…
Các giải pháp cho các vấn đề sẽ được chỉnh sửa và đánh giá bởi một tổ chuyên môn có thẩm quyền do Ban tổ chức CFM 2019 nước chủ nhà bổ nhiệm.
Được biết, năm 2019, CFM được tổ chức tại Indonesia từ 27/12/2019 đến 30/12/2019, thu hút gần 200 thí sinh đến từ một số quốc gia.
Kỳ thi này nhằm tạo cơ hội trao đổi những thông tin, ý tưởng và ứng dụng mới nhất liên quan đến toán đến từ khắp nơi trên thế giới; khai thác khả năng toán học vốn có, khả năng tìm hiểu và khám phá về toán học của học sinh; thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chương trình học toán ở từng quốc gia và thông qua đó tạo cho các em cơ hội giao lưu và tìm hiểu sự đa dạng văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới./.