“Mục tiêu cuối cùng là giáo dục học sinh thành người tử tế. Trở thành học sinh tốt tương lai sẽ làm được nhiều việc tốt. Tuổi học trò là cả quá trình hình thành và phát triển cơ bản về đức, trí, thể, mỹ, nên học sinh không chỉ được học những kiến thức cơ bản mà còn được rèn dạy về đạo đức. Những giá trị đạo đức căn bản sẽ giúp cho con người sống tốt đẹp hơn.”- Đó là chia sẻ của thầy giáo Dương Văn Trường, Hiệu trưởng Trường THCS Chùa Hang 1 (T.P Thái Nguyên) về giáo dục đạo đức trong nhà trường phổ thông hiện nay.
Giờ giải lao giữa buổi sáng tại Văn phòng Đội Thiếu niên và tổ bảo vệ Trường THCS Chùa Hang 1 nhận được rất nhiều vật dụng của học sinh bỏ quên, đánh rơi, trong đó có cả tiền, điện thoại mà các em học sinh của Trường nhặt được trên đường đi học. Tất cả được Trường thông báo trên hệ thống loa sau mỗi ngày, một số vật dụng nhặt từ ngoài Trường thì được cán bộ phụ trách Đội giao nộp cho Công an... Tất cả trở thành hoạt động mang tính tự giác.
Cô giáo Cao Thị Thanh Trang, Tổng phụ trách Đội là người gắn bó nhiều năm, sâu sát với học sinh và các hoạt động phong trào Đoàn, Đội cho biết: “Tuổi học trò có nhiều diễn biến tâm lý chưa ổn định và luôn khát khao thể hiện mình. Do đó giáo viên luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các em được nhiều cơ hội thể hiện mình trong khuôn khổ giáo dục của Nhà trường theo lứa tuổi. Ví dụ, trên các phương tiện truyền thông, các em rất ngưỡng mộ những ngôi sao, những thần tượng nhất là trong làng giải trí, thể thao... Nhưng các em không thể hiểu muốn trở thành ngôi sao thì bên cạnh những năng khiếu đặc biệt còn phải có một quá trình khổ luyện, tu dưỡng bằng cả tâm, đức, trí... Do đó, giáo viên các bộ môn trong Nhà trường cần lồng ghép phương pháp giáo dục đạo đức để phát hiện, khơi gợi những năng khiếu, tạo hứng thú cho các em phát huy sở trường, niềm say mê trong các hoạt động theo từng môn học”. Với gần 650 học sinh, Trường đã duy trì tốt nề nếp, kỷ cương trong hoạt động dạy và học.
Thầy Trường cho biết thêm: “Chất lượng giáo dục, nhất là về đạo đức được cải thiện rất lớn, khi phụ huynh luôn tìm đến gặp các thầy, cô giáo để hỏi thăm về thái độ rèn luyện, học tập của con em mình. Học sinh chăm ngoan, phụ huynh bắt buộc thay đổi suy nghĩ về môi trường giáo dục của con em họ. Tất cả phụ huynh chấp hành đúng nội quy: Không tự tiện vào Trường; không dừng, đỗ xe cản trở giao thông từ cổng Trường ra đường chính; không hút thuốc lá khi đến đón con và không cho con dùng tiền mua quà, đồ ăn đến lớp học...”.
Còn tại cổng Trường Tiểu học Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) vào giờ tan học, tất cả các phương tiện đỗ cách xa cổng theo quy định và 100% chủ động quay đầu vào lề đường tạo góc chéo 45 độ, để lòng đường rộng thêm cho học sinh xếp hàng đi ra thông thoáng, dề tìm người thân đến đón. Để làm được như vậy, cô giáo Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Nhà trường cùng toàn bộ giáo viên, nhân viên Nhà trường đã phải kiên trì vận động phụ huynh mọi lúc, mọi nơi khi có cơ hội. Từ tác phong, nề nếp học sinh xếp hàng thứ tự khi tan học đã tác động mạnh đến ý thức, trách nhiệm chấp hành trật tự giao thông, quy tắc trường học an toàn, cổng trường an toàn giao thông...
Còn cô giáo Doãn Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường THCS Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) khẳng định: “Với tuổi học trò, gia đình, xã hội phải thường xuyên chăm lo và tương tác, phản ánh mới nắm rõ được học sinh. Trong trường, giáo viên phải như người mẹ hiền, thân thiện, tình cảm và là chỗ dựa tinh thần cho các em. Có những lúc giáo viên là bạn của các em thì các em mới chia sẻ về suy nghĩ, tâm tư và nguyện vọng của mình. Từ đó, giáo viên sẽ định hướng cho các em có tư duy, suy nghĩ đúng đắn, lạc quan, tự tin thực hiện hoài bão của mình. Mỗi ngày đến trường với gần 800 học sinh, nếu không tạo dựng tốt trường học thân thiện, học sinh tích cực, chắc chắn mỗi giáo viên sẽ luôn tự tạo áp lực cho mình. Học trò như trang giấy trắng, giáo viên sẽ là những kỹ sư để kiến tạo tâm hồn cho các em. Gia đình đã gửi gắm con em đến Nhà trường chính là khát vọng cho con cái học hành tiến bộ. Do vậy dù trong hoàn cảnh nào thì giáo viên cũng phải là tấm gương sáng về đạo đức như vậy mới đáp ứng kỳ vọng của xã hội”.
Từ những cách tổ chức xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, xây dựng chuẩn mực tác phong người đội viên và quy chế phối hợp gia đình và Nhà trường đã tạo những chuyển biến tích cực về đao đức, tác phong học sinh. Chính từ những yêu cầu đổi mới trong giáo dục những năm gần đây, phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, an toàn trường học trong toàn ngành Giáo dục và Đào tạo T.P Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tất cả các trường học đều xây dựng quy tắc ứng xử giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh đúng chuẩn mực và luôn kết nối, tương tác vì mục tiêu xây dựng Nhà trường thực sự là ngôi nhà thứ hai của giáo viên và học sinh.