Phân luồng để nâng cao chất lượng giáo dục

15:35, 01/01/2021

Học gì thi đấy, thi gì học đấy là hai mệnh đề mà các nhà trường luôn tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng học tập cho học sinh (HS), nhằm đạt kết quả tốt nhất trong các kỳ thi. Một trong những giải pháp mà các trường phổ thông đang tích cực xây dựng các phương pháp dạy học phù hợp cho HS là phân luồng, phân loại theo năng lực, sở trường gắn với định hướng tương lai nghề nghiệp cho HS.

Những năm gần đây, áp lực về thi cử, nhất là Kỳ thi THPT quốc gia đã bớt căng thẳng đối với HS và gia đình, xã hội, do có nhiều đổi mới về hình thức, phương pháp và yêu cầu của kỳ thi gắn với đổi mới giáo dục. Tư tưởng lựa chọn con đường vào học đại học không còn là duy nhất với HS mà là lựa chọn ngành nghề học tập cho tương lai, tạo sinh kế lâu dài, bền vững. Chính vì vậy, ngay từ những năm cuối cấp THCS, 100% HS trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận các thông tin tư vấn nghề nghiệp thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có cách tiếp cận môn học theo định hướng phát huy phẩm chất, năng lực người học. Học đi đôi với thực hành và tiếp cận kiến thức thông qua hoạt động trải nghiệm.

Mặc dù chưa hình thành đồng bộ về giáo dục STEM, nhưng năm học 2020-2021, các trường từ THCS, đến THPT đều đã thực hiện đổi mới phương pháp dạy học bằng phương pháp trải nghiệm thực tế, tích hợp liên môn ở một số tiết học theo mức độ tăng dần cho các lớp cuối cấp học. Điều đó cho thấy không gian kiến thức mở và không giới hạn năng lực tìm hiểu học liệu của cả HS và giáo viên. Cách tiếp cận này cũng là những bước chuẩn bị ban đầu trong quá trình chuyển đổi số đối với giáo dục. Không gian giáo dục mở, nguồn học liệu dồi dào, vai trò của giáo viên sẽ là người định hướng, phát hiện để phân loại, phân luồng cho HS tìm được phương pháp tư duy sáng tạo, hiệu quả nhất cho từng môn học.

 

Giáo dục trải nghiệm môn Khoa học xã hội cho học sinh tại Trường THCS Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) đã phát huy được năng lực và tạo nhóm sở thích cho học sinh dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu đọc thêm.

Như thông lệ, chuẩn bị vào học kỳ I, các trường THPT tiến hành khảo sát đánh giá và phân loại HS lớp 12, đồng thời tư vấn cho HS lựa chọn môn thi của kỳ thi THPT quốc gia cho phù hợp với năng lực, định hướng nghề nghiệp của mình. Tại Trường THPT Chu Văn An (T.P Thái Nguyên), thầy Nguyễn Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Trường có hơn 350 HS lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi học kỳ I và bắt đầu chuẩn bị tốt nghiệp THPT. Để HS thi đạt kết quả tốt, nhiều năm học gần đây, Trường đã phân luồng HS theo sức học và nguyện vọng ngay khi kết thúc học kỳ I. Sau buổi học chính khóa, buổi chiều phân chia lại các lớp theo học lực và nguyện vọng (thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội). Ngay sau khi kết thúc lớp 11, hầu hết HS đã xác định mình sẽ thi môn khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên cho kỳ thi THPT quốc gia khi kết thúc chương trình học lớp 12. Chính vì vậy, năm nào Trường cũng đạt kết quả cao và trên 70% HS đỗ vào đại học theo đúng nguyện vọng”. Còn đối với Trường THPT Bình Yên (Định Hóa), mặc dù là trường miền núi, nhưng Nhà trường đã có sự chuẩn bị phân loại, phân luồng kỹ cho HS ngay từ lớp 10.

Thầy Ma Văn Đạo, Phó Hiệu trưởng chia sẻ: “Nhà trường xác định không có HS yếu, kém, mà chưa có phương pháp học tập tốt, định hướng tương lai đúng đắn, nên hoạt động học tập dàn trải, hay bị phân tán. Khắc phục những hạn chế này, Trường đã đưa ra giải pháp tăng cường giáo viên hỗ trợ HS. Không dạy thêm, nhưng giáo viên phải tìm ra những hạn chế, thiếu hụt kiến thức để phụ đạo, bổ sung cho các em phương pháp học tập tích cực. Nhiệm vụ cụ thể của mỗi giáo viên phải “biết bệnh có biện pháp chữa bệnh, chứ không thuần túy cấp thuốc”. Cách làm này dã có những chuyển biến tích cực, đó là tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp hàng năm đều đạt từ trên 90% trở lên. Đặc biệt, HS miền núi đã thay đổi tư duy học thuộc lòng để đăng ký thi tổ hợp khoa học xã hội. Năm 2018, Trường có 15% HS đăng  ký thi tổ hợp khoa học tự nhiên tại kỳ thi THPT quốc gia, đến năm 2019 đã tăng lên 30% và đến năm 2020 có gần 40%. Điều này cho thấy công tác phân loại, phân luồng và tư vấn định hướng nghề cho HS trong trường học rất quan trọng. Có thể nói, HS đã biết lựa chọn phương pháp học và dự định học nghề gì thi môn đấy...”.

Nếu như năm 2018, tại Kỳ thi THPT quốc gia toàn tỉnh có trên 13 nghìn thí sinh dự thi, có đến trên 75% HS đăng ký dự thi tổ hợp môn khoa học xã hội, nhưng qua các hình thức đổi mới phương pháp dạy học và cách tiếp cận khoa học tự nhiên, số HS đăng ký tổ hợp này đã có thay đổi đáng kể bắt đầu bằng kiến thức và tư duy định hướng nghề nghiệp phù hợp hơn. Năm 2019, trong số gần 14 nghìn thí sinh dự thi, tỷ lệ đăng ký tổ hợp khoa học xã hội giảm xuống còn 68% và năm 2020 là 63%. Mặc dù dự liệu trên phản ánh chưa thể đầy đủ về hiệu quả hoạt động phân loại, phân luồng đối với HS trong giáo dục, nhưng bước đầu cho thấy phương pháp tổ chức học tập, bồi dưỡng của các nhà trường đã tiếp cận sát với yêu cầu của kỳ thi và gắn với chọn nghề.

Đối với khối giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, sau khi HS học hết THCS, nhiều en đã đăng ký học nghề ngay từ bậc THPT. Tỷ lệ HS tham gia học nghề tại các trường dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp cũng tăng lên theo các năm. Năm 2018 toàn tỉnh có trên 1.000 HS, đến 2020 đã tăng lên trên 2.500 em và dự báo năm 2021 sẽ tăng trên 3.000. Đối với HS có bằng tốt nghiệp THCS, theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sau khi đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Giấy chứng nhận này được sử dụng để theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định. Như vậy, theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 đã tạo ra hướng mở cho giáo dục nghề nghiệp, ngày càng có nhiều HS tốt nghiệp THCS quan tâm theo học nghề và học văn hóa chính quy tại các trường cao đẳng (vừa học kiến thức văn hóa, vừa học nghề). Sau từ 3,5 đến 4 năm học, các em sẽ có trong tay một nghề và lượng kiến thức đủ tiêu chuẩn thi tốt nghiệp THPT sẽ chủ động chọn các hình thức học tập phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện kinh tế của gia đình. Theo quy định này, việc triển khai thực hiện chủ trương phân luồng sau THCS, tăng dần tỷ lệ HS vào học giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang là xu hướng đổi mới giáo dục nghề nghiệp hiện nay, tạo nhiều khả năng và nhiều con đường để người học nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.