Không thể về nước trong kỳ nghỉ Tết cổ truyền của Việt Nam do ảnh hưởng dịch COVID-19, hơn 600 sinh viên nước ngoài đã được các cơ sở đào tạo thuộc Đại học Thái Nguyên tổ chức ăn Tết ấm cúng và ý nghĩa. Sinh viên các nước được trải nghiệm về truyền thống văn hóa Việt Nam từ không khí Tết như ngày lễ đoàn tụ với gia đình tại quê hương mình.
Dù không phải lần đầu đón Tết tại Việt Nam, nhưng sinh viên Krystle quốc tịch Philippin và Anna sinh viên quốc tịch Đông Timor đang theo học ngành Kinh tế tại Khoa Quốc tế phấn chia sẻ: “Đây là năm thứ hai tôi ăn Tết tại Việt Nam. Tết cổ truyền Việt Nam khác với không khí đón năm mới hoặc Lễ Giáng sinh ở quê hương tôi, mọi người dân trong mỗi gia đình người Việt Nam đều cố gắng về đoàn tụ, sum họp trong một nhà. Tất cả đều vui vẻ, cùng làm các món ăn cổ truyền như bánh chưng, làm mâm cỗ cúng tổ tiên và hồi tưởng về dòng họ, công cha, nghĩa mẹ, bổn phận trách nhiệm từng người trong gia đình đã và sẽ phải làm những gì cho tốt hơn trong cuộc sống…Tôi cảm nhận được sự nhân ái, vị tha và động viên, cảm thông lẫn nhau trong mối quan hệ gia đình, xã hội trong những ngày Tết. Năm trước chúng tôi được đến gia đình các thầy, cô giáo chung vui đón giao thừa, được tự tạy chế biến đặc sản của nước mình để mọi người cùng thưởng thức. Nhưng năm nay do ảnh hưởng dịch COVID-19, chúng tôi được Đại học Thái Nguyên tổ chức đón Tết tập trung ngay tại ký túc xá. Các thầy, cô giáo luôn bên cạnh chúng tôi như thể cha mẹ trong gia đình và ai cũng được hưởng trọn niềm vui năm mới”.
Sinh viên Khoa Quốc tế trải nghiệm làm bánh chưng Tết trước đợt nghỉ phòng chống dịch COVID-19.
Đối với nữ sinh CamipThooy (Lào), đại diện cho 43 sinh viên các nước Lào, Campuchia đang học tại Trường Đại học Y - Dược lần đầu tiên được đón Tết cổ truyền Việt Nam nên rất háo hức chia sẻ: “Tết với người Việt Nam như là khoảng thời gian thiêng liêng nhất trong một năm. Tôi còn được biết thêm những giá trị nhân văn khác từ hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng, làm bánh dày, đó là quan niệm về đất, trời, lòng hiếu thảo của con cháu với cha mẹ và ông bà…Dù ký túc xá không đủ điều kiện tập trung đông người, nhưng căng tin, bếp ăn tập thể và các bạn thanh niên tình nguyện đã hỗ trợ chúng tôi làm bánh, ăn Tết từ ngày 28 tháng Chạp. Chúng tôi còn được trải nghiệm đón Tết với người bệnh, hỗ trợ bệnh nhân về tinh thần và củng cố niềm tin để an tâm chữa bệnh”.
PGS.TS Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm cho biết: “Năm nay, Trường có trên 200 sinh viên nước ngoài không về nước trong dịp nghỉ Tết Tân Sửu, Trường đã bố trí bếp ăn phục vụ sinh viên liên tục trong dịp nghỉ này, đồng thời làm bánh chưng tặng các em. Những năm trước, Trường tổ chức cho các em tham gia trải nghiệm dịp Tết tại nhiều nơi, như làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, tham quan Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), đón Tết Việt Nam tại các gia đình khu vực T.P Thái Nguyên, huyện Phú Lương, hoặc ngay tại nhà các thầy, cô giáo. Tết này, Trường đã phân công cán bộ, giáo viên thường trực tại ký túc xá để hỗ trợ các em an tâm sinh hoạt trong dịp Tết bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch COVID-19”.
GS,TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng: Ngày Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam, nhà nhà đều có Tết, người người đều được đón Tết an vui, chúng tôi muốn chia sẻ những tình cảm đó cho các sinh viên ngoại quốc. Điều quan trọng là để sinh viên an tâm, đồng thời cũng là hình thức phụ trợ cho học tập chuyên môn, bởi các em từ nhiều nước đến đây học tập, muốn học tốt thì cần am hiểu về văn hóa cổ truyền. Hiểu sâu về truyền thống thì các em sẽ tiếp cận văn hóa tốt hơn, trân trọng các giá trị văn hóa, triết lý đạo đức người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng”.
Có thể nói, Tết không chỉ thuần túy cho người Việt Nam, mà Tết cổ truyền thu hút sự quan tâm đối với sinh viên ngoại quốc đã và đang học tập tại Thái Nguyên. Đây không chỉ là một kỷ niệm đẹp cho các bạn sinh viên nước ngoài mà là trải nghiệm về cuộc sống từ nét đẹp truyền thống văn hóa của người dân Thái Nguyên.