Đi đầu trong đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục

20:18, 13/02/2021

Để thành công trong công cuộc Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhất thiết phải xây dựng được một đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng được yêu cầu. Với sứ mạng là chiếc nôi đào tạo đội ngũ giáo viên, nhà giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên chính là môi trường để tạo ra nhân tố quyết định của quá trình đổi mới giáo dục.

Trong quá trình đổi mới giáo dục, vai trò của trường Sư phạm là quan trọng nhất; lực lượng tiên phong, nòng cốt chính là cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên. Đòi hỏi, kỳ vọng của xã hội đối với người thầy không chỉ là kiến thức, trình độ mà còn là đạo đức, phong cách, là tấm gương mô phạm, tấm gương văn hóa. PGS.TS Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên chia sẻ: “Đối với các trường ĐHSP hiện nay, để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục, yêu cầu xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và cơ cấu thực sự trở thành nhu cầu cấp bách thiết yếu.

 Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm là khung năng lực tham chiếu để cơ sở đào tạo đánh giá được năng lực nghề nghiệp giảng viên, từ đó xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp cho giảng viên. Trong đó, bao gồm đánh giá hướng tới mức độ cao để các giảng viên cập nhật chuẩn quốc tế về sư phạm. Đối với giảng viên sư phạm khi xây dựng chuẩn cần đáp ứng các yêu cầu phải khoa học, sáng tạo và đổi mới. Đặc biệt, người thầy sư phạm có đặc điểm là dẫn dắt sự phát triển cho thế hệ sau; thứ ba là có phẩm chất năng lực, có ảnh hưởng, tác động dẫn dắt sinh viên, tác động dẫn dắt giáo viên và học sinh phổ thông.”

Là một trong những trường sư phạm trọng điểm thực hiện các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Trường Đại học Sư phạm đã sớm hoàn  thành kiểm định chất lượng đại học theo tiêu chuẩn Quốc gia từ năm 2017 và đã được Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Với kết quả đánh giá 52/61 tiêu chí đạt yêu cầu, chiếm tỉ lệ 85,2% cho thấy vị thế và chất lượng đào tạo của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đứng ở tốp đầu trong hệ thống các trường đại học ở Việt Nam nói chung và các trường đại học sư phạm nói riêng. Hàng năm, Trường luôn rà soát và đánh giá các chuẩn theo tiêu chí chất lượng giáo dục chuẩn Quốc gia. Hiện nay, Trường đã triển khai chương trình phát triển các trường sư phạm (thuộc chương trình ETEP) để nâng cao năng lực Nhà trường thông qua các nhiệm vụ:

- Hoàn thiện sứ mạng tầm nhìn của Nhà trường trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.

- Thường xuyên khảo sát năng lực và tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; bồi dưỡng nâng chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên các cấp.

- Xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm.

- Đánh giá năng lực trường và xây dựng kế hoạch hoạt động nâng cao năng lực giai đoạn 2020-2025.

Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, Trường đã chủ động triển khai các chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) theo các chuẩn quốc tế, tạo sức hút với người học và nâng cao vị thế Nhà trường. Chính vì vậy, những năm gần đây, sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên không chỉ là lực lượng nòng cốt thực hiện các chương trình giáo dục phổ thông mới tại các trường phổ thông công lập, mà còn là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trường phổ thông ngoài công lập, dạy và học theo chuẩn quốc tế cho học sinh trong và ngoài nước. 

Một trong những điểm nhấn quan trọng để khẳng định chất lượng và giá trị của Trường Đại học Sư phạm thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực cho Vùng, chính là hoạt động NCKH. Trong những năm gần đây, hoạt động đào tạo luôn gắn liền thực tế và nghiên cứu khoa học; ứng dụng, chuyển giao thành quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống.

 Chỉ trong 5 năm gần đây (2015-2020), Trường đã thực hiện hàng chục đề tài NCKH trọng điểm cấp Nhà nước; thực hiện gần 60 đề tài NCKH cấp Bộ; đã công bố gần 1.500 bài báo khoa học, hơn 200 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín (trong đó có hàng trăm bài trong hệ thống ISI và Scopus). NCKH của sinh viên có thứ hạng cao trong giải thưởng sinh viên NCKH toàn quốc.

Đặc biệt, Trường đã chuyển giao thành công hang chục đề tài khoa học và công nghệ cho các địa phương, điển hình như  đề tài: “Đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở tỉnh miền núi”; “Cung cấp học liệu cho giáo viên”; “Bồi dưỡng đổi mới phương pháp có ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên cốt cán THPT và THCS”; “Quy trình khai thác nội dung chương trình các môn học (Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý) cho giáo viên THPT”; “Nghiên cứu biên soạn tài liệu bồi dưỡng môn ngữ văn cho học sinh THPT tỉnh Thái Nguyên”; “Nghiên cứu triển khai bồi dưỡng thường xuyên môn Địa lý bằng hình thức đào tạo từ xa cho giáo viên THPT tỉnh Thái Nguyên”, “Nghiên cứu tạo chế phẩm chức năng có tác dụng kháng viêm và giảm ho”; “Nghiên cứu pha chế nước xúc miệng clorhexidine 0,12% thảo dược thiên nhiên”...

Năm 2020, cán bộ giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Sư phạm đã công bố được 406 bài báo, trong đó có 66 bài trong danh mục ISI, scopus; 04 sinh viên đạt giải sinh viên NCKH cấp Bộ, trong đó 02 giải Nhì, 01 giải Ba và 01 giải Khuyến khích. Với các kết quả trên, Trường Đại học Sư phạm đã được Bộ GD&ĐT, Giám đốc Đại học Thái Nguyên khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học - công nghệ năm 2020. Thông qua kết quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ được công bố trong và ngoài nước đã góp phần thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế, thu hút hàng trăm lượt sinh viên, nghiên cứu sinh đến từ nhiều quốc gia để học tập, nghiên cứu mỗi năm.

 Đến năm học 2020-2021, Trường đã có quan hệ hợp tác với hơn 20 quốc gia và ký kết nhiều hợp đồng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong đó, Trường đã tiếp nhận đào tạo, bồi dưỡng trên 300 sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh nguồn lực về đội ngũ, Trường đã và đang tích cực đầu tư xây dựng hiện đại hóa hệ thống phòng học, phòng nghiên cứu, thí nghiệm, thư viện và môi trường dạy và học hiện đại, khang trang, sạch, đẹp.

Về đội ngũ 468 cán bộ viên chức, trong đó có 315 giảng viên đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới, cụ thể là: 40 người có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, 170 giảng viên có trình độ Tiến sĩ, 02 Nhà giáo Nhân dân, 12 Nhà giáo Ưu tú (chiếm tỷ lệ trên 52%) và gần 100 giảng viên đang học nghiên cứu sinh trong và ngoài nước.

Có thể khẳng định trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên là một trong các trường có vị trí quan trọng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục. Trong những năm tới, với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục miền núi nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao, Nhà trường nhận thức được nhiệm vụ đào tạo và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để khẳng định vai trò cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xứng đáng là Trường trọng điểm trong đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đối với các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc.