Đổi hình thức, giữ nguyên chương trình

15:07, 04/02/2021

Tạm dừng đến trường để phòng dịch COVID-19, các trường học không dừng học mà triển khai dạy học qua Internet, in sao bài giao đến cụm dân cư cho học sinh vùng khó. Tuy nhiên, Tết đến gần, nhiều khó khăn mới phát sinh, giáo viên làm việc liên tục từ sáng đến đêm mà vẫn không hết việc.

Trường Tiểu học và THCS Bình Yên (Định Hóa) có 373 học sinh, trong đó có 231 học sinh tiểu học đã triển khai dạy học trực tuyến từ 1-2 trên nền tảng Internet, song chỉ có gần 70% học sinh được tiếp cận và học thành kế hoạch bài giảng. Nguyên nhân chính do nhiều vùng “lõm” không kết nối được Internet, nên giáo viên phải in sao bài giảng, bài tập chuyển đến các cụm dân cư cho từng học sinh. Sau mỗi buổi học, hôm sau các em chụp lại kết quả làm bài tập qua điện thoại thông minh của người thân để gửi lại giáo viên. Đối với 45 học sinh lớp 1, việc tổ chức dạy học khó khăn hơn do thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nên hoạt động tương tác, chia nhóm sáng tạo... đều không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, các em chưa được tự sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị máy tính... nên phải phụ thuộc phụ huynh, trong khi thời điểm gần Tết, đa số phụ huynh đều tranh thủ đi làm thêm để lo cho Tết.

Cô Nguyễn Thị Luận, Hiệu trưởng cho biết: “Khảo sát ban đầu cho thấy, toàn trường có đến gần 40% học sinh không có phụ huynh ở nhà dịp này, do đi làm ăn xa và làm thêm lo Tết. Chính vì vậy, Nhà trường phối hợp với các cụm dân cư thường xuyên thông báo lịch học trên hệ thống loa truyền thanh và tổ chức dạy học trực tuyến vào buổi tối cho các em. Khó nhất cho giáo viên là các tiết học thường kéo dài thêm từ 30 đến 60 phút, do đường truyền bị ngắt quãng, sóng không ổn định, hoặc không ít gia đình thiết bị chưa tương thích, hết tiền nạp cước điện thoại... Giáo viên luôn túc trực bên điện thoại, máy tính vì các em hỏi bài nhiều hơn, những rải rác. Có không ít những buổi dạy học, phải kết thúc lúc 11 giờ đêm. Trường có trên 20% học sinh diện hộ nghèo, cận nghèo, nên gia đình các em hầu như không có thiết bị đều học trực tuyến tốt được”.

Với Trường THPT Bình Yên thì việc học trực tuyến cả học sinh và giáo viên đã thành thạo, tuy nhiên khó khăn nhất chính là thiết bị chưa bảo đảm bảo hạ tầng đường truyền chưa ổn định, còn nhiều vùng “lõm”, nên Nhà trường phải kết hợp nhiều hình thức dạy học, như hướng dẫn các em truy cập kho dữ liệu của ngành để học các bài giảng mẫu, hướng dẫn làm bài tập, giao bài đến các khu dân cư, chia nhóm học sinh theo từng cụm xóm...

Còn đối với Trường THPT Định Hóa, mặc dù thuận lợi hơn các trường khác, nhưng giáo viên lại rất vất vả trong việc phân loại học sinh khi các em không học tập trung. Cô Nông Thị Hảo, Hiệu trưởng chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng học tập, từ đầu năm Trường đã khảo sát và phân loại có kế hoạch bồi dưỡng theo nhu cầu học tập của học sinh. Trong số hơn 500 học sinh lớp 12, có đến 70% đăng ký học bồi dưỡng theo khối khoa học xã hội, còn lại khối khoa học tự nhiên và ngoại ngữ. Khi không thể đến trường thì giáo viên phải vất vả tìm nhóm học sinh để dạy học trực tuyến. Với giáo viên ngoại ngữ thì luôn phải thu âm cách phát âm, phải luôn trực bên thiết bị để tương tác, trả lời, giảng giải cho học sinh, thậm chí từng em. Dù vậy cũng có thuận lợi là Trường đã có sự chuẩn cho việc chuyển đổi số, nên các thầy, cô đã chủ động thực hiện giáo án điện tử, số liên lạc điện tử và xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử sát với chương trình của từng khối lớp. Bên cạnh đó, Trường sắp xếp lại thời khóa biểu cho phù hợp tổ chức dạy học từ 2-3 môn/ngày. Khó khăn chính là hạ tầng thông tin chưa đồng bộ, nên giờ học hay bị gián đoạn, tính tương tác không nhiều, giáo viên chỉ biết được học sinh nắm được bài hay chưa qua kết quả giao nộp bài tập, những khó kiểm soát thực tế các em hiểu và làm bài thế nào”.

Theo khảo sát của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa, toàn huyện có trên 15.500 học sinh bậc THCS và Tiểu học thuộc 46 trường. Trong đó có gần 20% vùng “lõm” và gần 50% học sinh của hai bậc học này không có thiết bị điện tử, hoặc không đáp ứng được việc học trực tuyến (điện thoại thông minh, máy tính). Ông Trần Phúc Vĩnh, Phó trưởng Phòng nhận định: “Trước thực tế khó khăn ở các huyện miền núi, nếu tình hình phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 kéo dài, chắc chắn chất lượng học tập sẽ không cao. Nếu như sau Tết vẫn phải kéo dài việc dạy và học trực tuyến, chắc chắn cần phải có nhiều giải pháp hỗ trợ mang tính dài hơi. Cụ thể như ngành Giáo dục cần có sự chung tay hỗ trợ về hạ tầng thông tin. Các đơn vị làm dịch vụ viễn thông cần có chính sách hỗ trợ giá cho các thuê bao phục vụ học tập. Đặc biệt không để ngắt quãng trong khi đang dạy và học trực tuyến, kể cả thuê bao không còn đủ tiền cước. Hệ thống điểm bưu điện văn hóa xã, các dịch vụ Internet cần có sự chia sẻ để có thể phục vụ tốt nhiệm vụ dạy và học”.