Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, song thời gian qua, Định Hóa đã dành nhiều nguồn lực từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất để xây dựng trường chuẩn Quốc gia, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học 2020-2021, huyện Định hóa có 69 trường mầm non, tiểu học, THCS; với hơn 19.600 học sinh. Hiện, đã có 61/69 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ trên 88%.
Xác định xây dựng trường chuẩn Quốc gia là mục tiêu nằm trong quy hoạch mạng lưới trường lớp của địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trên địa bàn, trong những năm qua, huyện Định Hóa đã tập trung vào 5 tiêu chí cụ thể là: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục và cơ sở vật chất, trang, thiết bị trường học.
Ông Trần Phúc Vĩnh, Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Định Hóa cho biết: Với vai trò là cơ quan tham mưu, thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn, Phòng đã tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện về việc ưu tiên xây dựng trường chuẩn Quốc gia bên cạnh các chương trình đầu tư phát triển đảm bảo an sinh xã hội như: điện lưới, giao thông nông thôn, trạm y tế… Đặc biệt, đối với tiêu chí về cơ sở hạ tầng, ngành đã tham mưu với UBND huyện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn. Công tác xây dựng trường chuẩn được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa. Nhờ đó, nhiều trường học đã được đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp thường xuyên, đầu tư trang bị thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của giáo dục - đào tạo trong giai đoạn mới. Trong 5 năm (2016-2020), Định Hóa đã đầu tư 155 tỷ đồng để xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất tại 43 trường học. Riêng năm học 2020-2021, đã đầu tư khoảng 20 tỷ đồng.
Một trong số những trường được tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chí cơ sở hạ tầng đạt chuẩn Quốc gia là Trường Mầm non Tân Dương. Nhà trường hiện có 160 trẻ tại 7 lớp. Trước đây, 3 điểm trường tại Làng Kèn, Làng Tràng, Khu Tân Tiến 2 cơ sở vật chất các lớp học đều xuống cấp, thiếu thốn, chật chội; không có sân chơi, thiếu nhiều đồ dùng thiết bị dạy học, không có phòng cho giáo viên và khu bếp tạm được quây tôn. Cô Ma Thị Thậm, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Dương nói: Trong năm học này, Nhà trường đã được bàn giao hoàn thiện công trình 2 dãy nhà 2 tầng, với 8 phòng học mới. Với đầy đủ phòng chức năng, bếp ăn quy trình 1 chiều, khu nhà hiệu bộ, phòng nghệ thuật, âm nhạc, hội trường, phòng tin học, khu vui chơi phát triển vận động, khu vui chơi của bé... Trẻ giờ đã được học tập trung học hết một điểm trường chính. Sau khi nhà trường được đầu tư xây dựng mới, lớp học khang trang, đẹp đẽ, nhân dân trong xã đã rất phấn khởi và yên tâm đưa trẻ đến trường.
Cùng với việc đầu tư xây mới trường học thì công tác cập chuẩn lại cũng được ngành Giáo dục huyện đặc biệt quan tâm. Bám sát các tiêu chí về trường chuẩn, Phòng Giáo dục-Đào tạo đã chỉ đạo các trường tự rà soát, đối chiếu từng chuẩn nhằm duy trì kết quả đề nghị công nhận lại. Cùng với đó, các trường cũng chủ động trong việc tham mưu chính quyền địa phương, phòng giáo dục, UBND huyện tạo điều kiện cải thiện cơ sở vật chất. Như tại Trường Tiểu học Lam Vỹ, được công nhận lại lần 2 năm 2014, đến cuối năm 2020, nhà trường đã đủ các tiêu chí để công nhận lại. Năm học 2019-2020, Trường được đầu tư 4,5 tỷ đồng để xây dựng 10 phòng học 2 tầng, 700 triệu đồng sửa chữa toàn bộ khu sân khu trung tâm, bồn hoa cây cảnh, hệ thống cấp thoát nước. 4 điểm trường lẻ nằm ở 4 phía của xã là Khau Viềng, Văn La, Tam Hợp, Cà Đơ cũng được Dự án Plan đầu tư xây dựng các phòng học khang trang hơn. Thầy Nguyễn Công Liệu, Hiệu trưởng Nhà trường cho hay: Trong 5 năm, chúng tôi đã chủ động tham mưu các cấp chính quyền và được đầu tư 8 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất nhằm đáp ứng các điều kiện công nhận lại trường chuẩn. Hiện, với điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, đã đáp ứng nhu cầu dạy và học của 370 học sinh tại 22 lớp cùng 40 cán bộ, giáo viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hiện nay công tác cập chuẩn lại còn gặp một số khó khăn. Do các nhà trường xuống cấp đồng loạt (20 trường) và đã quá hạn công nhận lại, nhiều trường đang nợ công nhận lại (như THCS Chợ Chu, Tiểu học Trung Lương…). Nguyên nhân chủ yếu là về cơ sở vật chất của một số nhà trường còn thiếu so với yêu cầu, nhiều hạng mục đã xuống cấp nhưng chưa được xây dựng và tu sửa do thiếu kinh phí, một số trường còn thi công muộn. Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Định Hóa cho biết: Để khắc phục, Phòng sẽ rà soát các tiêu chí trường chuẩn của các trường học còn nợ công nhận lại; xây dựng kế hoạch bổ sung, duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết bị đối với các tiêu chí trường chuẩn Quốc gia. Cùng với đó là tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực, huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa để đáp ứng đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT...