Năm 2021, nhiều chính sách về giáo dục, đào tạo sẽ có nhiều thay đổi như học sinh được học SGK tích hợp, bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên, tăng tuổi nghỉ hưu của giáo viên…
Học sinh học SGK lớp 2, lớp 6 mới
Năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước sẽ được học sách giáo khoa (SGK) mới.
Ngày 9-2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã ký Quyết định 709/QĐ-BGDĐT phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 2 và Quyết định số 718/QĐ-BGDĐT phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 6. Danh mục này gồm 32 sách giáo khoa lớp 2 của đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng sách giáo khoa môn tự chọn Tiếng Anh; 40 sách giáo khoa lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.
Đối với lớp 2, mỗi môn Tiếng Việt, Toán, Đạo Đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục Thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm có 3 SGK được phê duyệt; môn tự chọn Tiếng Anh có 8 SGK.
Đối với lớp 6, mỗi môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Công nghệ, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm và Hướng nghiệp có 3 SGK; môn Tin học có 2 sách và Tiếng Anh có 8 SGK được phê duyệt.
Như vậy, năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên 2 môn học tích hợp (khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý) được đưa vào giảng dạy ở lớp 6.
Theo quy định, việc lựa chọn SGK của các địa phương phải hoàn thành trước khai giảng năm học mới tối thiểu 5 tháng. Việc in ấn và phát hành SGK đảm bảo đủ số lượng và chất lượng phải được nhà xuất bản hoàn thành trước 31-7 đến các đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng SGK tại các địa phương cung cấp kịp thời đến tất cả học sinh, giáo viên để triển khai thực hiện năm học mới.
Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên
Ngày 2-2, Bộ GD-ĐT ban hành chùm 4 thông tư 01, 02, 03, 04, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường phổ thông công lập. Theo đó, bỏ quy định giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Theo quy định trước đây, giáo viên các cấp học, các hạng chức danh nghề nghiệp, ở các vùng miền khác nhau đều phải đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ từ bậc 1 đến bậc 3 (tùy hạng và tùy cấp học) và yêu cầu về trình độ tin học ở mức đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản. Đối với cấp học phổ thông, giáo viên dạy ngoại ngữ phải có trình độ ngoại ngữ thứ hai tương ứng như trình độ ngoại ngữ của các giáo viên khác. Quy định này đã bộc lộ bất cập như tạo ra cơ hội cho những người không học thực chất mà chủ yếu tích lũy đủ văn bằng, chứng chỉ; các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng không có chất lượng thực hiện việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không đúng quy định.
Từ tháng 3-2021, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên các cấp, các hạng được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Cụ thể, các yêu cầu về ngoại ngữ không còn quy định "cứng" là phải đảm bảo bậc 1 hay bậc 2, bậc 3 như trước đây mà chuyển thành "có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao". Yêu cầu về trình độ tin học chuyển thành "có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ".
Tăng tuổi nghỉ hưu của giáo viên
Từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của giáo viên sẽ tăng dần qua các năm. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp giáo viên có thể nghỉ hưu trước tuổi quy định như: Giáo viên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; giáo viên bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%...
Công nhận kết quả học trực tuyến
Năm 2021, khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước lại tiếp tục phải học trực tuyến do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Năm 2021, Bộ GD-ĐT dự kiến công nhận kết quả dạy và học trực tuyến
Trước đó, trong năm 2020, học sinh, sinh viên trên cả nước cũng đã có thời gian không thể đến trường học tập. Với chủ trương "tạm dừng đến trường, không ngừng việc học", Bộ GD-ĐT đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục dạy học qua internet.
Bộ GD-ĐT đã xây dựng dự thảo thông tư về tổ chức dạy học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục, theo đó sẽ công nhận kết quả dạy và học trực tuyến. Thông tư mới dự kiến ban hành trong năm 2021.
Thay đổi việc kỷ luật học sinh
Cũng trong năm 2021, Bộ GD-ĐT dự kiến thay đổi việc kỷ luật học sinh. Theo dự thảo thông tư mới quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh, Bộ GD-ĐT đưa ra các biện pháp "kỷ luật tích cực" và các hình thức kỷ luật mới thay thế các hình thức kỷ luật trước đây mang tính phê bình, bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh.
Theo dự thảo, mức kỷ luật cao nhất áp dụng trong theo nhà trường là "tạm dừng học tập trên lớp" thay vì "đuổi học" như trong quy định hiện hành. Như vậy, nếu Thông tư mới được thông qua, học sinh vi phạm kỷ luật sẽ không còn bị đuổi học.