Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) là một trong những trường đại học công lập đứng đầu về đào tạo khối ngành kinh tế tại miền Bắc. Đồng thời là trung tâm nghiên cứu kinh tế học lớn của khu vực. Trường đã có nhiều đóng góp cho xã hội qua công tác đào tạo nguồn nhân lực, với các ngành, nghề đào tạo thuộc các nhóm ngành kiến thức quản lý (Quản lý công, Quản trị kinh doanh, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Marketing, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng) và đào tạo kiến thức tài chính, kinh doanh (Kế toán tổng hợp, Kế toán Kiểm toán, Tài chính Doanh nghiệp, Tài chính Ngân hàng, Phân tích đầu tư tài chính, Kinh tế đầu tư, Thương mại quốc tế, Kinh doanh quốc tế).
Với phương châm liên tục nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường đã tập trung vào phát triển đội ngũ cán bộ có chất lượng cao. Hiện tại, Nhà trường có 388 cán bộ viên chức, trong đó có 286 giảng viên (100% đều có trình độ từ thạc sĩ trở lên,gần 35% là tiến sĩ, phó giáo sư). Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh tự hào là một tập thể đoàn kết, năng động và sáng tạo. Trong nhiều năm liền, Trường luôn thực hiện tốt các công tác: giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, rèn luyện… đối với sinh viên; đào tạo đại học, sau đại học (hiện Nhà trường đang tổ chức 5 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ là Quản lý kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kinh tế nông nghiệp, Kế toán, Kinh tế phát triển) và 2 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ là Kinh tế nông nghiệp, Quản lý kinh tế); công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình; hợp tác quốc tế; đảm bảo chất lượng giáo dục; tạo môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên…
Trong đó điểm nhấn rõ nét nhất là hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong 5 năm gần đây, Nhà trường đã có 35 đề tài cấp Bộ, cấp tỉnh được triển khai, với hơn 100 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, trong đó số lượng các công bố quốc tế trên các tạp chí danh mục ISI, Scopus chiếm tới 39,4%. Hoạt động chuyển giao KHCN thông qua mô hình đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ, công chức ở các địa phương như: Hà Giang, Phú Thọ, Bắc Giang, Yên Bái… được triển khai mạnh mẽ, đi vào chiều sâu và được phía đối tác đánh giá cao. 5 năm gần đây, tổng kinh phí thu hút được từ các hoạt động KHCN đạt khoảng 30 tỷ, cao gấp khoảng 10 lần so với năm năm trước. Đây làm một dấu ấn quan trọng trong công tác KHCN góp phần khẳng định vị thế và uy tín của Nhà trường.
Đặc biệt, Nhà trường luôn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để tạo môi trường học tập, rèn luyện tốt nhất cho sinh viên. Trong giai đoạn 2017-2020, Nhà trường đã chi hơn 30 tỷ đồng để xây dựng đơn nguyên 2, giảng đường GK2 có quy mô 5 tầng, diện tích xây dựng là 3.200m2, sửa chữa, nâng cấp giảng đường GK1, xây dựng hệ thống hàng rào bảo vệ, nâng cấp sửa chữa ký túc xá K10 và xây dựng Nhà thực hành đa năng nhằm tăng cường cơ sở vật chất để đảm bảo tốt điều kiện học tập và an toàn an ninh cho người học. Bên cạnh đó, cũng trong giai đoạn này, Nhà trường đã chi gần 3 tỷ đồng đầu tư các trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động đào tạo như: Máy tính, máy chủ, máy chiếu, hệ thống âm thanh, giáo trình. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng mọi mặt hoạt động của Nhà trường. Khu giảng đường, ký túc xá của sinh viên đã được xây dựng bề thế, sạch, đẹp trong khuôn viên rộng lớn; các phòng chức năng, thư viện… đáp ứng tốt nhu cầu nghiên cứu, học tập, rèn luyện của sinh viên. Bước sang năm học 2020-2021, Nhà trường đã tổ chức tốt việc đấu thầu, ký và thực hiện các hợp đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Theo đó, Nhà trường đã chi gần 1,5 tỷ đồng đầu tư trang bị 01 phòng thực hành máy tính với số lượng 41 bộ máy tính, 10 máy chiếu hiện đại; hệ thống âm thanh, ánh sáng và bàn ghế cho phòng hội trường.
Trong công tác hợp tác quốc tế, hằng năm, Nhà trường đã đón tiếp gần 30 đoàn chuyên gia quốc tế đến từ các nước, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Phillipines, Hàn Quốc, Úc, Đức, Ý, Bangladesh, Đài Loan... tới trao đổi hợp tác, giảng dạy, tham dự hội thảo, hội nghị, tập huấn, học tập, giao lưu văn hóa và tổ chức các đoàn đi công tác, tham dự hội nghị, hội thảo, tập huấn, học tập, giao lưu văn hóa tại nước ngoài; khai thác và thực hiện các chương trình, dự án có sử dụng nguồn hỗ trợ từ nước ngoài… Nhất là đối với chương trình đào tạo chất lượng cao và hợp tác đào tạo với nước ngoài, tính đến tháng 8/2020, chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Quản trị công và Quản trị kinh doanh Nhà trường liên kết với Đại học Central Philippines đã đào tạo được 28 nghiên cứu sinh; Chương trình liên kết đào tạo hệ đại học theo hình thức 4 + 0 với Học viện Hồng Hà, Trung Quốc đào tạo được 16 sinh viên; chương trình hợp tác đào tạo theo hình thức 2+2 hệ đại học với Học viện Hồng Hà, Trung Quốc được 8 sinh viên, chương trình chất lượng cao đào tạo được 116 sinh viên.
Một thực tế là các ngành đào tạo của Nhà trường luôn bắt kịp với xu thế thời đại. Thông qua quá trình đào tạo, Nhà trường đã khơi dậy được năng lực sáng tạo, ý thức rèn luyện, học tập của sinh viên. Hằng năm đều có gần 50% sinh viên có kết quả học tập xếp loại khá, giỏi, xuất sắc. Đáng nói là, sau khi tốt nghiệp, hầu hết sinh viên của Nhà trường đều tìm được việc làm. Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh tự hào với tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp đạt trên 95%.
Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình để đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh Thái Nguyên, đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giáo dục, tạo cơ hội học tập trải nghiệm tốt nhất cho sinh viên tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ; cung cấp chất lượng đào tạo và dịch vụ đào tạo tốt, môi trường học năng động cho học viên và sinh viên.