Thời gian chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn toàn tỉnh bắt đầu từ 15/2/2021 và dự kiến kết thúc vào 31/3/2021, đảm bảo theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hoàn thành trước ngày 5/4/2021. Quy trình lựa chọn có thay đổi và thời gian ngắn, Hội đồng lựa chọn SGK tỉnh quyết tâm bảo đảm yêu cầu về chất lượng. Trách nhiệm, sáng kiến và kinh nghiệm được giao phó cho từng thành viên.
Khác với năm học trước là trao quyền lựa chọn SGK cho các cơ sở giáo dục, năm nay, việc lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 được giao cho UBND cấp tỉnh. Danh mục SGK lớp 2 và lớp 6 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt cho địa phương lựa chọn gồm 32 SGK lớp 2, với 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng SGK môn tự chọn Tiếng Anh; 40 SGK lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.
Theo quy trình lựa chọn SGK năm học 2021-2022, mỗi địa phương sẽ thành lập một Hội đồng lựa chọn sách do UBND cấp tỉnh thành lập, giúp UBND tỉnh tổ chức lựa chọn sách. Mỗi môn học của một cấp học sẽ thành lập một hội đồng riêng. Để bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật và chuyên môn, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ: “Quan điểm của tỉnh là lựa chọn mang tính thống nhất, có tính kế thừa và phát triển để việc sử dụng SGK phải bảo đảm tính ổn định, nhưng vẫn phù hợp với đặc điểm điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội của địa phương. Hội đồng của tỉnh đã lựa chọn trên 300 thành viên, là đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy, có nhiều kinh nghiệm dạy học ở bậc tiểu học và THCS. Mỗi môn là một hội đồng với 17 thành viên có trách nhiệm đọc thẩm định độc lập và nhận xét rồi bỏ phiếu kín, nên có vai trò như các chuyên gia, thậm chí có thể trực tiếp góp ý với nhà xuất bản trong quá trình thẩm định, kể cả “nhặt sạn” nếu có. Việc thẩm định sẽ được tập hợp bằng phiếu nhận xét, biên bản và cuối cùng là bỏ phiếu kín lựa chọn.”
Mặc dù việc thay đổi chủ thể lựa chọn SGK, song cách làm này phát huy được trí tuệ tập thể và sáng kiến của từng giáo viên. Bởi giáo viên là người trực tiếp giảng dạy sẽ hiểu rõ về điểm mạnh, yếu của từng bộ SGK, tiếng nói và ý kiến chuyên môn của họ được tôn trọng. Nhà giáo Ưu tú Trịnh Đức Thảo, Hiệu phó Trường THCS Độc Lập (T.P Thái Nguyên) nhận xét: Mỗi bộ sách mang một thông điệp, bản sắc riêng nhưng đều cụ thể hoá mục tiêu giáo dục toàn diện, giúp cho việc dạy học chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người học.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vân, Hiệu phó Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) đưa ra ví dụ cụ thể: Qua nắm bắt ý kiến của giáo viên, chúng tôi thấy môn Tiếng Việt phù hợp với tâm lý lứa tuổi, lựa chọn ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, văn bản gần gũi, thiết thực với học sinh. Một mặt phản ánh sinh động thực tế tâm lý lứa tuổi, mặt khác, khi tốt nghiệp, học sinh sẽ có được vốn hiểu biết nhất định về văn hoá dân tộc...
Vừa bảo đảm khung chương trình và kế hoạch năm học, cũng như tiến độ thẩm định SGK, các nhà trường và thành viên Hội đồng lựa chọn SGK đã và đang nỗ lực lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 theo đúng quy trình, minh bạch, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ: Bảo đảm chất lượng và đổi mới giáo dục.