Nhóm ngành Khoa học tự nhiên "đội sổ" về tỷ lệ thí sinh nhập học

15:53, 25/03/2021

Báo cáo về công tác tuyển sinh đại học 2020 cho thấy có 5 nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp nhất, trong đó đứng đầu danh sách này là nhóm ngành Khoa học tự nhiên, tiếp đến là Nông lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ xã hội…  

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục - Đào tạo) năm 2020, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 cao, đạt 126,98% chỉ tiêu nhưng  tỷ lệ nhập học lại thấp chỉ đạt 60,45%.

Lý giải nguyên nhân, bà Thủy cho rằng, sự chênh lệch này cho các trường chưa nhập đủ danh sách xác nhận nhập học lên hệ thống. Bên cạnh đó, một số trường phổ thông còn chạy theo thành tích về tỷ lệ học sinh đỗ đại học, nên có xu hướng khuyến khích một số thí sinh không có nguyện vọng vào đại học đăng ký xét tuyển.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, năm 2020, 5 nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học thấp nhất gồm Khoa học tự nhiên (41,43%), Nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản (43,91%), Dịch vụ xã hội (49,98%), Khoa học sự sống (54,43%), Môi trường và bảo vệ môi trường (65,28%).

Đánh giá về công tác tuyển sinh 2020, bà Nguyễn Thu Thủy cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế của một số cơ sở giáo dục đào tạo như chưa kiểm soát được các điều kiện sơ tuyển, đến khi nhập học thí sinh mới phát hiện không trúng tuyển do chưa đủ điều kiện. Bên cạnh đó, một số trường còn nhập điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố trước đó; báo cáo thí sinh nhập học thiếu, không nhập hoặc nhập không đúng thời gian quy định, cấu trúc. Đặc biệt, một số cán bộ mới làm công tác tuyển sinh nên chưa nắm bắt được các quy trình và nhiệm vụ, thậm chí để xảy ra sai sót.

Thí sinh và cán bộ tại một số điểm tiếp nhận chưa nắm vững quy chế, quy định về đăng ký xét tuyển, đối tượng ưu tiên, không thực hiện hết quy trình điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, đăng ký vào các ngành, trường không đủ điều kiện sơ tuyển….

Về công tác tuyển sinh đại học 2021, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết về cơ bản được giữ ổn định như năm 2020, chỉ bổ sung thêm 1 số quy định nhằm thuận lợi hơn cho thí sinh như được đăng ký nguyện vọng bằng 1 trong 2 hình thức trực tuyến hoặc bằng phiếu.

Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần, sử dụng phiếu kết quả thi THPT để xác nhận nhập học, thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, lọc ảo… Ngoài ra Bộ cũng quy định cụ thể hơn về việc đặt hàng nguồn nhân lực của các địa phương như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.