Đó là cô giáo Vũ Thị Vân Anh, giáo viên bộ môn Hóa học, Trường THCS Trưng Vương (T.P Thái Nguyên). Bằng tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy và tâm huyết với nghề, cô đã đạt được nhiều thành tích trong chuyên môn và có những sáng kiến kinh nghiệm áp dụng trong giảng dạy đạt kết quả cao.
Say mê môn Hóa học, ngay từ khi còn là học trò, Vân Anh đã ấp ủ ước mơ được đứng trên bục giảng dạy bộ môn mà mình yêu thích. Bước chân vào đại học, Vân Anh lựa chọn Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo. Quãng thời gian là sinh viên, cô luôn xác định nỗ lực học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để chuẩn bị hành trang cho tương lai.
Chính vì vậy, suốt 4 năm đại học, Vân Anh đã đạt được nhiều thành tích khiến bạn bè ngưỡng mộ, như: “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương, giải thưởng “Sao Tháng Giêng”, được kết nạp Đảng khi đang là sinh viên… Tốt nghiệp với tấm bằng loại Giỏi, năm 2014, Vân Anh về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Cũng trong thời gian này, Vân Anh đã theo học chương trình thạc sĩ ngành Hóa học vô cơ và tốt nghiệp năm 2016. Tháng 9-2019, cô được điều động về Trường THCS Trưng Vương.
Dù ở vị trị công tác nào, cô giáo trẻ luôn cố gắng trau dồi kiến thức chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tìm những phương pháp mới, sinh động, hiệu quả vận dụng vào giảng dạy. Để chứng tỏ Hóa học không khô khan, cô giáo sinh năm 1992 này đã khiến học sinh thích thú bằng cách cho các em thấy mọi điều của Hóa học đều liên quan đến thực tế. Trong mỗi tiết học, cô thường tìm những dẫn chứng từ dẫn chứng sinh động, gần gũi với các em trong cuộc sống hàng ngày để giải thích các hiện tượng hóa học trong bài giảng đó.
Đồng thời, nhằm giúp các em có thêm hứng thú với môn học và phát huy khả năng tư duy, sáng tạo. Cô Vân Anh cho biết: Tôi thường tổ chức ôn bài thông qua các trò chơi đố vui, ghép đáp án, thi đội, nhóm… Thông qua các bài giảng sinh động đó giúp các em có thể hiểu và trả lời những câu hỏi, như: Vì sao khi mở bình nước ngọt có ga lại có nhiều bọt khí thoát ra? Vì sao nước rau muống đang xanh khi vắt chanh vào thì chuyển sang màu đỏ? Giải thích hiện tượng “Hiệu ứng nhà kính”…
Cô chia sẻ: Kỹ năng giao tiếp với học trò cũng là yếu tố quan trọng góp phần khơi gợi, truyền cảm hứng đam mê học tập cho các em. Đặc biệt, đối với việc bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, yếu tố đầu tiên đó là lựa chọn được những học sinh có tố chất tốt. Việc đánh giá học sinh phải khách quan, chính xác, không chỉ qua bài thi mà cả thông qua việc học tập bồi dưỡng hàng ngày. Qua cách làm đó, cô Vân Anh đã phát hiện, bồi dưỡng nhiều học sinh đạt học sinh giỏi các cấp. Điển hình như em Nguyễn Nam Hưng, lớp 9B, đã đạt giải Ba tại Kỳ thi học sinh giỏi T.P Thái Nguyên năm học 2020-2021.
Mặc dù mới chuyển về công tác tại Trường THCS Trưng Vương, nhưng cô đã từng bước khẳng định được năng lực của mình. Đơn cử tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi các môn khoa học tự nhiên, thể dục bậc THCS cấp tỉnh năm học 2020-2021, cô đã xuất sắc đạt điểm tuyệt đối với biện pháp tham gia dự thi “Sử dụng phương pháp giáo dục STEM để thiết kế chủ đề dạy học: Các oxit của cacbon – Giải mã bí ẩn hồ Nyos”.
Không chỉ hoàn thành tốt công tác giảng dạy, Vân Anh còn là hạt nhân trong các phong trào của Trường. Cô có khả năng tổ chức, dàn dựng các chương trình văn nghệ, đồng thời là một MC duyên dáng trong các chương trình, sự kiện. Nhận xét về Vân Anh, cô Vũ Thu Hương, Hiệu trưởng Nhà trường nói: Vân Anh là một giáo viên trẻ đa tài, nhiệt huyết với nghề và có chuyên môn tốt. Mặc dù mới chuyển về công tác nhưng cô đã bắt nhịp rất nhanh với chương trình giảng dạy và các hoạt động trong trường. Vân Anh cũng được chọn là một trong những giáo viên cốt cán tham gia tập huấn về Chương trình giáo dục phổ thông mới.