Thay đổi để thấu hiểu

17:30, 07/04/2021

Thông thường mỗi cuộc họp phụ huynh bắt đầu bằng việc giáo viên thông báo tình hình hoạt động chung, thành tích của trường, rồi đến của lớp và cuối cùng là xin ý kiến phụ huynh hỗ trợ quỹ lớp, quỹ trường trên tinh thần tự nguyện... Nhân cách, phẩm chất, năng lực, sở thích... của học sinh hình thành và phát triển ra sao đều không được đề cập đầy đủ. Thay đổi nội dung, hình thức họp phụ huynh tại Trường THPT Sông Công đã góp phần tích cực đến đổi mới giáo dục toàn diện tại đây. 

Chị Mai Thị Thanh (Phường Lương Châu, T.P Sông Công) có con học lớp 12A2, Trường THPT Sông Công chưa hết xúc động khi ra khỏi lớp học sau buổi họp phụ huynh cho con để chuẩn bị bước vào kỳ ôn thi tốt nghiệp chia sẻ: “Nay đọc thư “Điều em muốn nói” mới giật mình: Con đã trưởng thành, bố và mẹ thì cứ dập khuôn phải học kinh tế, không có văn thơ, ca múa mua vui cho thiên hạ. Nhưng bất ngờ khi cô giáo giới thiệu cháu hát bài “Mẹ yêu” và bạn cùng lớp đệm đàn rất chuyên nghiệp...Tôi và các vị phụ huynh vừa nghe vừa gạt nước mắt xúc động như nuốt lấy từng lời của các con. Các bạn khác cũng vậy, mỗi người bộc lộ một sở thích mà đã được cô giáo chủ nhiệm hộ trợ rèn luyện trong những ngày đến trường học. Có bạn thì đóng kịch, dựng phim bằng các video clip ngắn, đọc thơ trong sách bằng thể loại nhạc Rap... Lần đầu tiên một buổi họp phụ huynh mà không cha, mẹ nào muốn về trước”.

Anh Đỗ Văn Đức (phường Mỏ Chè, T.P Sông Công) có cậu con trai thuộc diện hiếu động nhất lớp 12A2 đúc kết: “Khác hoàn toàn cảnh hồi hộp nghe giáo viên chủ nhiệm sẽ tạo nên những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố cho các bậc huynh. Ai có con ngoan, học giỏi thì vui sướng. Ngược lại ai có con lười học, kết quả yếu, hạnh kiểm xấu thì buồn bực, giận con và trách chính mình. Để rồi khi ra khỏi cuộc họp là mông lung suy tư, làm gì đây với những đứa con kém cỏi, nghịch ngợm và lười biếng? Khi đó, phụ huynh nào dù mạnh mẽ đến mấy cũng không tránh khỏi cảm giác xấu hổ, mặc cảm, tổn thương”.

Xuất phát từ quan điểm đổi mới cách đánh giá, nhận xét học sinh, lấy “xây để chống”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng Tổ Văn, đồng thời làm chủ nhiệm lớp 11B1, Trường THPT Sông Công cho rằng: “Mỗi em có những năng lực đặc biệt riêng, nên hàng ngày tiếp xúc, chúng tôi luôn tìm hiểu kỹ và khơi gợi những năng lực ấy phát huy tốt hơn lên và giúp các em “tỏa sáng” trong mắt bạn bè cùng trang lứa. Nếu tạo áp lực khi các em không thể thực hiện được thì sẽ đối phó một cách tiêu cực và hình thành những hành vi thiếu trung thực. Tôi sẵn sàng ngồi cả giờ xem các em thi đấu thể thao để chọn ra “ngôi sao”, cùng đồng nghiệp và các em, xây dựng trích đoạn kịnh từ tác phảm văn học, cùng tập hát với các em... để có sự đồng cảm, từ đó mới có sẻ chia”.

Về học tập, thầy Nguyễn Ngọc Huỳnh, Hiệu trưởng cho biết: Rất hiếm học sinh có thể học tốt cả 9 môn học, nên sau khi phân loại nhóm sở trường khoa học tự nhiên, và khoa học xã hội thì giáo viên sẽ tư vấn với gia đình về phương pháp học tập, bồi dưỡng để phát huy tốt năng lực học sinh. Hoạt động ngoại khóa được xây dựng trên cơ sở theo chủ đề của từng nhóm liên môn, dựa trên mục tiêu “học mà chơi, chơi mà học” để các em không “lạc lối”. Còn “Điều em muốn nói” thì giáo viên và phụ huynh phải là một để thắp thêm niềm tin và lý tưởng cho các em.

“Bố mẹ ơi, sao cứ mong muốn sau này con phải trở thành bác sĩ? Con cũng muốn vậy, những con làm bác sĩ diệt virut bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ máy tính và công nghệ thông tin thì sao. Sau này trí tuệ nhân tạo thay thế hầu hết những thao tác, kỹ năng của con người thì cũng phải có những bệnh viện, bác sĩ chữa bệnh cho trí tuệ nhân tạo chứ? Con sẽ làm bác sĩ công nghệ thông tin cơ, sau này phòng mổ sẽ là tự động hóa, con điều khiển thiết bị ấy, lập trình phần mềm phục vụ chữa bệnh thì cũng là bác sĩ mà...”. Trích đoạn bức thư “Điều em muốn nói” ấy đã gợi mở cho phụ huynh bao điều về lý tưởng, nguyện vọng của con mình. Và tác giả của bức thư này cũng chính là nòng cốt về công nghệ thông tin của lớp 12A2 khi các nhóm học tập thực hiện các ý tưởng trải nghiệm môn học bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Điều bất ngờ chính là tác giả tự học hỏi bằng sự đam mê. Cô giáo Hà “bật mí”: Không gian buổi họp phụ huynh được lắp đặt 5 màn hình, máy chiếu... hoàn do học sinh tự thiết kế và vận hành.