Vào một ngày chủ nhật như thường lệ, chú lạc đà Roshan đang đi qua sa mạc khô cằn ở Balochistan của Pakistan để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng. Ông Murad Ali, người chủ của nó đang bước từng bước trên cát nóng rực để hướng đến một ngôi làng nơi hàng chục đứa trẻ, tất cả đều mặc đẹp nhất và chờ ông đến.
Khi thấy ông đến, "Lạc đà ở đây! Lạc đà ở đây!" những đứa trẻ vui mừng hô vang và vây quanh chú lạc đà. Cậu bé 11 tuổi Maryam Naveed, chia sẻ: “Khi lạc đà đến, chúng em có thể chọn lựa những cuốn sách cho mình. Đầu tiên em cố gắng đọc những cuốn sách đó, nếu không hiểu điều gì, em có thể hỏi giáo viên của mình”. Còn em Ambareen Imran, 9 tuổi thì hào hứng kể về cuốn sách yêu thích của mình: “Em thích những cuốn sách tranh vì khi em nhìn vào những bức tranh ấy, em có thể hiểu rõ hơn nội dung mình đang đọc”.
Vào tháng 3 năm 2020, đại dịch COVID-19 hoành hành khắp đất nước, Pakistan đã phải đóng cửa các trường học, khiến hơn 50 triệu học sinh, sinh viên phải nghỉ học.
Bà Raheema Jalal, hiệu trưởng Trường trung học nữ sinh Zubeda Jalal (ZJGHS), người đã thành lập dự án Thư viện Lạc đà cùng với chị gái, một bộ trưởng liên bang, cho biết thư viện được mở vào tháng 8 năm ngoái vì muốn trẻ em những vùng xa xôi của đất nước tiếp tục được học mặc dù không được đến trường.
Bà Raheema Jalal, Trưởng nhóm dự án tận tay chia những cuốn sách cho trẻ em ở huyện Kach.
Bà Raheema Jalal cho biết thêm: “Nếu chúng ta tặng miễn phí những cuốn sách này cho các em ở nhà của các em thì không những giúp ích cho quá trình học tập của các em mà còn giúp các em tránh xa những cạm bẫy bên ngoài xã hội. Các em sẽ tập trung đọc sách, thu lượm kiến thức, thông tin và những kiến thức đó sẽ trở thành hành trang mang theo sau này.”
Dự án này có sự hợp tác của Female Education Trust (FET) và Alif Laila Book Bus Society (ALBBS), hai tổ chức phi chính phủ đã thực hiện các dự án thư viện dành cho trẻ em Pakistan trong suốt 36 năm.
Lạc đà Roshan mang những cuốn sách đến bốn ngôi làng khác nhau ở huyện Kach, thực hiện cuộc hành trình vào các ngày luân phiên trong tuần. Thư viện mở cửa từ khoảng 3 giờ đến 6 giờ chiều và trẻ em chọn những cuốn sách yêu thích và trả lại chúng khi thư viện hoạt động trở lại.
Các trường học trong làng đã mở cửa trở lại, nhưng các quan chức địa phương cho biết họ đã nhận được nhiều yêu cầu để thư viện tiếp tục hoạt động.
Những đứa trẻ chăm chú nghe Bà Raheema Jalal đọc sách
Bà Jalal, Trưởng nhóm dự án Thư viện Lạc đà hy vọng sẽ mở rộng dự án đến nhiều ngôi làng hơn và cho biết đang tìm kiếm nguồn tài trợ. Hiện tại, gần như toàn bộ ngân sách 18.000 Rs (tương đương 117,5 USD) được dùng cho công việc vận chuyển của lạc đà Roshan.
Murad Ali, chủ sở hữu của chú lạc đà Roshan, cho biết ông đã rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên biết về dự án, nhưng cho rằng lạc đà là phương tiện giao thông hợp lý nhất ở khu vực xa xôi và hiểm trở. Ông thích những chuyến đi, nhìn thấy những đứa trẻ vui vẻ và hơn hết, ông vẫn kiếm được tiền như khi đi gánh củi.
Balochistan, tỉnh lớn nhất của Pakistan là một vùng núi và sa mạc khô cằn ở phía tây nam của Pakistan, chiếm 44% tổng diện tích đất của Pakistan với dân số 12,34 triệu người. Đây là tỉnh nghèo nhất của Pakistan, với 40% tỷ lệ người biết chữ - thấp nhất cả nước. Khoảng 62% trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 16 ở Balochistan không được đi học.