Còn ít ngày nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, ở thời điểm hiện tại, không khí chuẩn bị cho bầu cử đã lan tỏa đến mọi cấp, ngành, tầng lớp nhân dân. Với sinh viên Đại học Thái Nguyên, đặc biệt là những sinh viên lần đầu tiên được làm cử tri thì chuyện bầu cử còn phấn chấn hơn.
Chúng tôi có mặt tại ký túc xá và hội trường Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên (ĐHKTCN), địa điểm sẽ diễn ra bầu cử, nhiều băng rôn, khẩu hiệu được treo, danh sách cử tri và ứng cử viên đã được niêm yết đầy đủ. Khẩu hiệu được treo trang trọng ngay tiền sảnh hội trường với dòng chữ: “Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân”.
Theo Luật Bầu cử, cử tri là những người đủ 18 tuổi trở lên, nên đối với lớp sinh viên hiện nay, hầu hết đây là lần đầu tiên họ được đi bầu cử. Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) Nguyễn Quang Đông cho biết: ĐHTN có trên 1.200 cử tri, trong đó hơn 1.000 là sinh viên nội trú tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tại 4 khu vực bầu cử, được bố trí ngay các trường đại học là: Nông lâm, KTCN, Ngoại ngữ, Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Một số trường có số lượng cử tri ít sẽ ghép với các khu vực dân cư tại địa phương.
Đối với Trường ĐHKTCN thuộc khu vực bầu cử số 6, phường Tích Lương, T.P Thái Nguyên, đến thời điểm này có 236 cử tri, trong đó có hơn 200 cử tri là sinh viên. Theo TS.Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên: Số cử tri tham gia bỏ phiếu tại Trường có ít, do trước đó đã số các em đã được về với gia đình để phòng, chống dịch COVID-19 và sẽ tham gia bầu cử tại nơi cư trú. Theo Luật Bầu cử, Trường có 207 cử tri gồm cả sinh viên và cán bộ, giáo viên tham gia bầu cử đủ 4 cấp (Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, thành phố, phường); 29 cử tri bầu cử 3 cấp (Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, thành phố) là sinh viên nội trú học năm đầu.
Cử tri Lầu An Nhánh, dân tộc Mông, quê ở bản Nậm San 2, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, mới nhập học năm đầu ngành Cơ khí, cho biết: “Trường đã dán danh sách cử tri từ gần một tháng trước đây. Chúng em ở nội trú, thường xem xét, bàn bạc về người mình định lựa chọn làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Hôm tiếp xúc cử tri, mặc dù bận học trực tuyến, nhưng chúng em vẫn bố trí kịp thời gian để tranh thủ cùng các bạn tham dự để nghe người ứng cử phát biểu về chương trình hành động”.
Cử tri Lò Đức Việt, dân tộc Thái, quê ở thôn Yên Sơn, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) cùng là sinh viên năm đầu, ngành Kinh tế công nghiệp, lại thấy tò mò: “Em không biết cảm xúc khi cầm trên tay lá phiếu sẽ như thế nào? Vì em mong muốn lựa chọn phải đúng người tài cho đất nước. Lần đầu tiên bản thân được quyết định vào công việc của Quốc gia, nên em thấy hồi hộp và hạnh phúc lắm!”.
Đồng với quan điểm này của Việt, sinh viên Trần Thị Thu Uyên, năm thứ nhất, Khoa Y đa khoa - Đại học Y- Dược, cho biết: “Bầu cử là bầu ra người vừa có tài, vừa có đức, nên em sẽ tham khảo, cân nhắc và suy nghĩ kỹ trước khi bỏ phiếu. Được đi bầu cử khiến em cảm thấy rõ ràng nhất việc mình được thực hiện quyền công dân, rằng mình sẽ đóng góp được một phần nhỏ tìm ra nhân tài cho đất nước, nên mình sẽ bầu cho người mà mình cảm thấy tin tưởng”.
Công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đã được hoàn tất tại các khu vực bỏ phiếu trong toàn ĐHTN. Quan tâm đến công tác bầu cử, nhiều sinh viên đã ghi chép lại nội dung chương trình hành động của người ứng cử. Nhóm sinh viên Trần Thị Hoa, Ma Văn Đại, Tạ Thị Hảo (Trường Ngoại ngữ), chia sẻ: “Sau này, khi ứng viên trúng cử, trong quá trình công tác, chúng em sẽ theo dõi và đối chiếu giữa chương trình hành động với thực tế hoạt động của đại biểu”.