Tuyển sinh đại học năm 2021: Ưu tiên chọn ngành

08:08, 06/08/2021

Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, “cuộc đua” vào các trường đại học bắt đầu nóng khi thí sinh phải đưa ra quyết định chính xác cho mình để chọn trường, ngành học. Đây là thời điểm quan trọng nhất để các em lựa chọn ngành đào tạo phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân.

Dựa trên kết quả phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và dữ liệu kết quả năm 2020, có thể thấy, điểm thi các môn đều tăng, đồng nghĩa với việc điểm xét tuyển vào các trường đại học cũng sẽ tăng lên. Ví dụ: Môn Toán năm trước có điểm trung bình là 6,06, thì năm nay trung bình đạt 6,14; môn Ngoại ngữ tăng từ 4,04 điểm năm 2020 lên 5,27 điểm; môn Vật lý tăng từ 6,53 lên 6,62 điểm; môn Hóa học từ 6,78 lên 6,81 điểm; môn Địa lý 6,79 cao hơn so với mức 6,64 của năm ngoái; môn Giáo dục công dân tăng lên 8,20 thay vì 7,94 điểm như năm 2020... 

Với phổ điểm thi tốt nghiệp THPT tăng cao ở nhiều môn thi, điểm chuẩn đại học năm nay được dự báo sẽ tăng. Theo PGS.TS. Nguyễn Phúc Chỉnh (Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên): Mức điểm trúng tuyển các trường có thể tăng từ 0,5 đến 2 điểm so với năm trước, đặc biệt ở các khối A1 và D1. 

Còn TS. Đặng Doanh Hoằng, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên phân tích: Ngoài điểm một số môn thi cao hơn trước thì việc các trường đại học đã dành lượng chỉ tiêu tuyển sinh tương đối cao cho những phương thức khác (xét học bạ) khiến tỷ lệ thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm nhất định, dẫn đến điểm xét tuyển vào đại học năm nay có thể nhỉnh hơn các năm trước. Như Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đến nay đã nhận được trên 1.600 hồ sơ học bạ đăng ký xét tuyển/1.100 chỉ tiêu tuyển sinh bằng hình thức này. 

Trước thực tế đó, việc lựa chọn ngành nghề đào tạo của các thí sinh cần sự tính toán rất kỹ lưỡng, tránh tình trạng chỉ chọn ngành theo sở thích mà không xét đến năng lực bản thân, dễ xảy ra tình trạng điểm cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng một cách đáng tiếc. PGS.TS. Nguyễn Danh Nam (Ban Đào tạo, Đại học Thái Nguyên) chia sẻ kinh nghiệm: Thí sinh không nên chủ quan với mức điểm đạt được mà đổ xô vào những ngành có sự cạnh tranh cao của các trường. Khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần xem xét, không vì thấy điểm của mình bằng với điểm chuẩn của ngành này năm trước mà đăng ký và không có các lựa chọn an toàn khác.  Bởi lẽ, điểm cao là cao trên mặt bằng chung, chứ không phải cá biệt ở số ít thí sinh.

Tại Đại học Thái Nguyên cũng có rất nhiều ngành học tốt và đã được công nhận kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong khi cơ hội trúng tuyển cao. Vì vậy, thí sinh nên cân nhắc có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện bản thân. Điều cơ bản nhất chính là động cơ, mục đích và thái độ học tập của người học. Kinh nghiệm cho thấy, thí sinh nên ưu tiên chọn ngành học trước, thay vì chọn trường.

Để tránh trường hợp điểm thi cao vẫn không đỗ nguyện vọng nào hoặc trúng vào các nguyện vọng không yêu thích, thí sinh cần ưu tiên đưa các nguyện vọng phù hợp nhất (nguyện vọng mong muốn, điểm trúng tuyển cao) lên trên, sau đó tham khảo điểm trúng tuyển vào các trường, ngành những năm trước đây để có lựa chọn phù hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT của bản thân.