Năm học 2021-2022 sắp bắt đầu, huyện Võ Nhai đã có sự chuẩn bị tích cực các điều kiện để sẵn sàng bước vào năm học mới. Với tinh thần san sẻ khó khăn, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện đã xây dựng các phương án chủ động thực hiện đầy đủ khung chương trình.
Biên chế giáo viên không tăng trong khi số lượng học sinh và lớp học tăng, để chủ động giải quyết vấn đề này, các nhà trường trên địa bàn huyện Võ Nhai đã rà soát và xây dựng kế hoạch năm học từ tháng 6-2021, tham mưu với Phòng GD-ĐT về việc hợp đồng giáo viên chuẩn bị cho năm học mới.
Đồng chí Hà Mạnh Cương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Võ Nhai cho biết: Biên chế để thực hiện nhiệm vụ năm học mới toàn huyện còn thiếu hơn 100 giáo viên, Ngành đã chủ động hợp đồng với đội ngũ nhà giáo nghỉ hưu, giáo viên cư trú tại địa phương. Thực tế, đây là giải pháp chưa có tính bền vững nhưng cần thiết trước mắt.
Theo thống kê của Phòng GD-ĐT Võ Nhai, năm học mới toàn huyện có trên 13 nghìn học sinh từ cấp học mầm non đến THCS với đội ngũ trên 1.000 giáo viên. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 1, lớp 2 và lớp 6, toàn huyện còn thiếu 28 giáo viên dạy tiếng Anh và môn Tin học. Đối với phòng học bộ môn (Mỹ thuật, Âm nhạc) và phòng học chức năng Tin học, Ngoại ngữ, toàn huyện còn thiếu gần 200 phòng.
Đến thời điểm này, huyện đã cân đối nguồn vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng xây mới, sửa chữa và nâng cấp được 30 phòng cho các trường từ cấp học mầm non đến THCS; các nhà trường đã cải tạo, tận dụng những không gian như: Phòng hội đồng, phòng học văn hóa, kho, thư viện... để tích hợp đưa vào sử dụng cùng lúc 2 đến 3 mục đích phù hợp theo từng giờ học, bảo đảm đủ chương trình và kế hoạch dạy học.
Các môn Tin học, Ngoại ngữ, Phòng GD-ĐT bố trí đội ngũ giáo viên dạy liên trường (THCS tham gia hỗ trợ dạy Tiểu học), trên cơ sở phân bổ đủ số giờ dạy/tuần và phù hợp với điều kiện đi lại của giáo viên. Một số giáo viên dạy Toán - Vật lý hoặc Toán -Tin... được Phòng GD-ĐT tổ chức bồi dưỡng để đảm nhận thêm nhiệm vụ dạy môn Tin học.
Bên cạnh những thiếu thốn về giáo viên, phòng học bộ môn, các trường cũng gặp không ít khó khăn về sách giáo khoa cho học sinh. Theo khảo sát của các nhà trường, toàn huyện hiện còn hơn 4.000 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và học sinh khuyết tật. Việc có đủ sách giáo khoa cho năm học mới với nhóm đối tượng học sinh này là vấn đề khó khăn trước thềm mỗi năm học mới.
Hàng năm, vào dịp năm học mới, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để mua sách giáo khoa tặng các em học sinh diện gia đình khó khăn và khuyết tật trên địa bàn. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, chương trình hỗ trợ tiếp sức cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn đến trường năm nay rất hạn chế.
Để khắc phục vấn đề này, các nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị phát hành sách, thậm chí làm việc trực tiếp với nhà xuất bản và gia đình học sinh để thống kê rồi ứng trước sách về tận tay cho các em làm quen trước khi vào năm học mới.
Hiện nay, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hỗ trợ gần 100 bộ sách giáo khoa mới cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện, góp phần tiếp sức học sinh vùng cao yên tâm đến trường.
Năm học mới 2021-2022 đã đến gần, hai nhiệm vụ trọng tâm được Phòng GD-ĐT huyện Võ Nhai xác định cần tập trung thực hiện là hoàn thiện cơ sở vật chất, kiện toàn đội ngũ giáo viên và sẵn sàng chuẩn bị phương án ứng phó với tình huống giãn cách phòng, chống dịch COVID-19, tổ chức các hình thức học tập đúng kế hoạch.
Được biết, hiện tại các nhà trường đã thống kê có gần 70% học sinh đủ điều kiện học tập trực tuyến trong tình huống không học trực tiếp tại trường. Số còn lại, Phòng GD-ĐT đã hoàn chỉnh kế hoạch dạy học gián tiếp, in sao tài liệu, giao bài về các cụm dân cư. Đồng thời vận động phụ huynh nâng cao mức độ đề phòng dịch COVID-19, xây dựng cụm dân cư, trung tâm học tập cộng đồng an toàn tại các vùng sâu, vùng xa.