Nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp “trồng người”. Thời gian qua, ngành Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã không ngừng đổi mới, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học mới, trong bối cảnh vừa học vừa phòng, chống dịch COVID-19, ngành GD&ĐT đã có sự chuẩn bị tích cực nhằm tạo sự chuyển biến trong chất lượng dạy và học.
Với đội ngũ trên 18.000 cán bộ, giáo viên (CBGV) các cấp học, hiện nay, toàn tỉnh có trên 82% CBGV có trình độ đạt chuẩn trở lên. Trong đó, 100% CBGV cấp THPT đạt chuẩn và có gần 40% đạt mức trên chuẩn. Đây chính là nhân tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, đồng thời cũng là nền tảng để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của tỉnh.
Bên cạnh đó, chủ trương kiên cố hóa trường lớp, xã hội hóa giáo dục, xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm. Năm học 2020-2021 vừa qua cũng ghi dấu một năm toàn Ngành bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục.
Qua đó, toàn ngành đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các cấp học đều được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về điều kiện và chất lượng học tập giữa các vùng miền. Tỷ lệ nhóm trẻ, học sinh trong độ tuổi đến trường đều đạt cao, không còn tình trạng trẻ em thất học và duy trì phổ cập THCS.
Thực hiện chương trình nâng cao chất lượng dạy và học trên cơ sở xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn Quốc gia, đến hết năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 583/684 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ trên 85%. Trong đó, cấp học Mầm non đạt tỷ lệ trên 87%, cấp Tiểu học có 97%, cấp THCS đạt trên 70% và cấp THPT đạt trên 60%.
Không chỉ nâng cao chất lượng đội ngũ CBGV và đầu tư cơ sở vật chất, sự đổi mới, sáng tạo trong triển khai các kế hoạch, cuộc vận động, phong trào thi đua của Ngành gắn với những hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm từng đơn vị trường đã mang lại nhiều kết quả. Hiện nay, 100% xã, phường giữ vững phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, giáo dục Tiểu học và THCS. Hằng năm, tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp đạt 100%; trên 70% học sinh THPT thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng...
Kết thúc năm học, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, tỷ lệ HS tiểu học được đánh giá hoàn thành mức độ hình thành và phát triển năng lực đạt 99,5%, HS hoàn thành mức độ hình thành và phát triển về phẩm chất đạt 99,7%, tỷ lệ học sinh khá, giỏi bậc THCS đạt trên 80%.
Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa lớp 9, 10, 11, 12, có gần 5.000 học sinh đoạt giải. Kết quả thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học 2020-2021 đạt kết quả cao nhất trong 4 năm trở lại đây, với 49 giải, trong đó có 1 giải Nhất. Đặc biệt, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, toàn tỉnh đã thực hiện an toàn, chất lượng, kết quả tỷ lệ tốt nghiệp đạt trên 98%.
Năm học 2020-2021 cũng là năm học đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, ngành GD&ĐT Thái Nguyên đã thực hiện tốt các kế hoạch đối với khối lớp 1, đồng thời chuẩn bị cho chương trình đổi mới với khôi lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021-2022.
Đặc biệt với kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương, bồi dưỡng giáo viên và các điều kiện về cơ sở vật chất bảo đảm kịp thời và đáp ứng yêu cầu của Chương trình. Toàn Ngành đã tổ chức tập huấn cho trên 500 lượt giáo viên cốt cán về chương trình sách giáo khoa mới và xây dựng dữ liệu học tập số hóa đến 100% các trường phổ thông... Qua đó, giúp giáo viên nắm chắc, chủ động đổi mới phương pháp dạy học, khai thác tài nguyên số trong dạy và học trong các nhà trường phổ thông, góp phần thực hiện đúng, đủ kế hoạch, khung chương trình năm học.
Có thể nói, trong một năm học gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, ngành GD&ĐT đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc “mục tiêu kép” - vừa bảo đảm an toàn sức khoẻ của học sinh và giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học. Các hoạt động giáo dục được duy trì liên tục, các nhà trường đã sáng tạo, linh hoạt trong phương pháp dạy học mới, nhất là dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục.
Đó chính là động lực để toàn Ngành tiếp tục thực hiện “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” trong giai đoạn tiếp theo.