Nỗi niềm cha mẹ

07:12, 08/09/2021

Một năm học mới nữa đã bắt đầu, cùng với sự háo hức của con trẻ thì vẫn còn đó không ít nỗi niềm của các bậc làm cha, làm mẹ. Nhất là trong một năm học đặc biệt này, khi mà dịch COVID-19 đang chi phối toàn cầu. Trong tâm trạng chung ấy, thì nỗi niềm của phụ huynh có con bắt đầu bước vào lớp 1 và lớp 6 năm nay dường như còn “dày” hơn.

Cận kề ngày khai giảng năm học 2021-2022, việc học sinh sẽ được đến trường học trực tiếp hay phải học trực  tuyến là một trong những mối quan tâm bậc nhất của tất cả các bậc phụ huynh. Trước diễn biến còn khó lường của dịch COVID-19, nhiều trường đã có thông báo chính thức về việc sẽ tổ chức dạy học trực tuyến ngay khi năm học mới bắt đầu, học sinh lớp 1 cũng không ngoại lệ.

Học trực tuyến đồng nghĩa với việc phải có các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh có thể kết nối mạng. Trong khi đó, ngay cả ở những khu vực trung tâm, những thiết bị này gần như đã “phổ cập” với hầu hết các gia đình, nhưng để có thêm 1 đến 2 chiếc máy tính hoặc điện thoại cho con học online lại không phải là chuyện đơn giản với tất cả mọi người.

Anh Nguyễn Duy Quang, xã Linh Sơn, T.P Thái Nguyên chia sẻ: Dù nhà đã có 2 chiếc máy tính nhưng công việc của vợ chồng tôi máy tính là vật bất ly thân. Nhận được thông báo 2 con học online, tôi lo điện thoại màn hình nhỏ, học thời gian dài sẽ không đảm bảo về thị lực cho các cháu. Tôi đã phải đi tìm mua máy tính lướt (máy đã qua sử dụng) để giảm bớt chi phí, nhưng cố gắng cũng chỉ mua được một cái. Cháu lớn lớp 7, cháu bé lớp 1, cùng học sáng, không thể dùng chung.

 Làm công ăn lương, tháng nào đủ chi tiêu tháng đó đã là may, trong khi đó, giá của mỗi chiếc máy dù lướt cũng phải gần chục triệu đồng. Vợ tôi phải xin ứng trước 2 tháng lương, nhưng công ty đang khó khăn nên chỉ có thể tạo điều kiện ứng cho 1 tháng. Chúng tôi vẫn phải đi vay mượn mới có thể mua thêm một chiếc máy tính nữa cho cháu còn lại. Đến tối ngày 4-9, thành phố có công văn quyết định cho học sinh trên địa bàn được đến trường, thú thực là tôi rất mừng, nhưng cứ nhìn 2 chiếc máy tính mới mua tôi lại phát khóc…

Bên cạnh nỗi lo đảm bảo thiết bị học trực tuyến cho con thì việc cần người hỗ trợ trong quá trình học đối với học sinh bé, nhất là học sinh lớp 1 cũng là vấn đề đang làm đau đầu không ít gia đình. Chị Phạm Hồng Quý, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên bày tỏ: Con tôi năm nay vào lớp 1, cháu chưa thể tự thao tác trên máy khi học trực tuyến chưa kể nếu không có người giám sát, hỗ trợ, các cháu khó lòng tiếp thu đầy đủ được bài giảng.

Trong khi đó, chồng tôi thường xuyên phải đi làm xa nhà. Bản thân tôi công tác tại cơ quan hành chính, không thể nghỉ để cùng cháu học mỗi ngày. Tôi cũng nghĩ hay đón ông bà từ Ninh Bình lên giúp, nhưng ông bà tuổi đã cao lại không thông thạo việc sử dụng internet. Vì việc này mà vợ chồng tôi rối bời cả tuần nay. Đang chưa biết làm thế nào thì tối 4-9, nhận được tin các con trên địa bàn T.P Thái Nguyên sẽ được đi học trực tiếp mừng quá. Nhưng dịch vẫn phức tạp như thế này, phương án dạy và học vẫn có thể bị thay đổi nên vẫn phấp phỏm lo.

Thiết bị máy tính (điện thông minh) đảm bảo phục vụ cho việc học online trở thành gánh nặng với nhiều gia đình. (Em Đỗ Bảo Nhung, Học sinh Trường THCS Chùa Hang 2 trong giờ học trực tuyến).

Mỗi gia đình một hoàn cảnh khác nhau khiến nỗi lo của mỗi người cũng khác. Chị Nguyễn Thu Thủy, phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên tưởng rằng con sẽ phải học trực tuyến, chị đành phải tạm gửi cậu con trai năm nay vào lớp 1 về quê ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa để có người kèm học. Bởi vậy, trái với tâm trạng vui mừng của nhiều bậc phụ huynh khi biết tin con được đến trường học trực tiếp, chị Thủy vẫn lo lắng bởi mới đây, quê chị đã phải thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đồng nghĩa với việc chị chưa thể đón con về để nhập trường.

Đó chỉ là số ít trong vô vàn nỗi lo của phụ huynh có con vào lớp 1 năm học này. Còn với phụ huynh có con vào lớp 6, ngoài nỗi lo kể trên thì việc các con năm đầu cấp, phải học chương trình sách giáo khoa (SGK) mới cũng khiến nhiều người băn khoăn. Câu chuyện về những “hạt sạn” trong chương trình SGK cải cách trong năm học vừa qua khiến nhiều người nghi ngại về sự đổi mới trong năm học này. Đơn cử như, hơn 1 tháng nay, việc bài thơ “Bắt nạt” được đưa vào SGK Ngữ văn lớp 6 đã dấy lên một làn sóng mà ở đó sự đồng thuận cũng có, nhưng phía đối trọng là sự phản đối có phần gay gắt.

Bên cạnh các ý kiến cho rằng đây là một bài thơ hồn nhiên, được viết ra dưới cái nhìn của trẻ em và phù hợp với thời cuộc thì trái lại nhiều ý kiến lại nhận xét bài thơ có ngôn từ ngô nghê, chỉ phù hợp với lứa tuổi học sinh mầm non hay lớp 1…

Dịch bệnh khiến mọi ngành nghề, lĩnh vực cần thay đổi phương thức hoạt động để thích ứng; đổi mới chương trình SGK cũng vì mục đích nâng cao chất lượng chương trình dạy và học. Tuy nhiên, nỗi niềm của phụ huynh cũng là điều cần được chia sẻ.