Năm học này, huyện Võ Nhai có hơn 4.700 trẻ ra lớp; 20 trường mầm non với 41 điểm trường lẻ và 212 nhóm lớp (53 nhóm trẻ, 159 lớp mẫu giáo) tại 15 xã, thị trấn. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, các trường mầm non còn quan tâm tới công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, góp phần tạo môi trường học tập để trẻ phát triển toàn diện.
Võ Nhai là huyện vùng cao, địa hình đồi núi hiểm trở, tại một số điểm trường, giao thông đi lại còn khó khăn, xa trung tâm… Hơn 70% số học sinh là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành, hệ thống trường lớp học mầm non trên địa bàn huyện Võ Nhai đã từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ.
Chị Hoàng Thị Huyền, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đạo tào huyện Võ Nhai cho biết: Hàng năm, Phòng tiến hành rà soát cơ sở vật chất, trường, lớp học và có giải pháp đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phù hợp, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Riêng trong năm học này, các trường mầm non Thống Nhất, Liên Cơ, Sảng Mộc, Điểm trường Mầm non Lịch Sơn… đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp.
Cơ sở vật chất đã đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn huyện, nâng tổng số trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia của toàn huyện lên 18/20 trường.
Cùng với đó, các nhà trường cũng thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” có chất lượng giúp trẻ hứng thú, thích đến trường, chủ động tham gia các hoạt động.
Thực hiện yêu cầu này, tại Trường Mầm non Phú Thượng, trong lớp, các góc chơi được thiết kế sinh động, đồ dùng, đồ chơi được thay đổi, bổ sung thường xuyên, trong đó có nhiều sản phẩm do cô và cháu cùng làm. Với không gian các phòng học rộng, thoáng mát, đồ dùng, đồ chơi được sắp xếp theo từng chủ đề, chủ điểm, theo các mùa một cách sinh động và hấp dẫn, trẻ sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để học tập và phát huy các khả năng của mình…
Các khu phát triển vận động, khu vui chơi, khu chợ quê, vườn cổ tích... ngoài trời được bố trí hợp lý, có nhiều đổi mới, sáng tạo, tạo cho trẻ sự yêu mến, ham thích đến trường.
Năm học 2020 - 2021, số trẻ được huy động ra lớp trong toàn huyện là trên 4.700 trẻ, trong đó số trẻ mẫu giáo ra lớp đạt trên 94%.
Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cũng được các nhà trường bảo đảm thực hiện đúng theo quy định. Hiện, 100% trẻ mầm non trên địa bàn huyện đến trường được học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường.
Cô Ma Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sảng Mộc cho hay: Để duy trì bữa ăn chất lượng cho 220 trẻ đang được chăm sóc tại Trường, từ khâu nhập nguyên liệu đến vệ sinh, chế biến, chúng tôi phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối. Chúng tôi cũng thường xuyên lên thực đơn phù hợp với nguyên liệu có sẵn tại địa phương, tính toán sao cho từng bữa ăn phải cung cấp đủ các chất, đủ năng lượng cho từng cháu ở các độ tuổi khác nhau. Mỗi bữa ăn phải có đủ 4 nhóm thực phẩm, chất bột, chất béo, chất đạm, rau củ, trái cây. Nhà trường phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm cho 100% trẻ mầm non.
Nhờ sự theo dõi sát sao của các nhà trường mà tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn huyện Võ Nhai đã giảm. Kết thúc năm học 2020-2021, ở khối nhà trẻ, số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chỉ còn chiếm tỷ lệ 1,5%, giảm 5,2%; suy dinh dưỡng thể thấp còi là 5,5%, giảm 3,7%. Ở khối mẫu giáo, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 4%, giảm 5,2%; suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 5%, giảm 4,5%.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, các trường mầm non trên địa bàn huyện Võ Nhai tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng, bảo đảm đủ điều kiện cho việc dạy và học; tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; góp phần tạo sự phát triển vững chắc của bậc học mầm non.