Mặc dù điều kiện giáo dục còn nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ giáo viên các trường vùng cao đang nỗ lực làm chủ phương pháp dạy học tích cực trong chương trình mới. Máy tính, dữ liệu điện tử, giáo án điện tử, hồ sơ điện tử quản lý nhật trình lên lớp... được giáo viên sử dụng thành thạo, phương pháp học tập mới đã giúp học sinh vùng cao theo kịp chương trình.
Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thái Nguyên đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho gần 6.000 cán bộ quản lý, giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới, đạt tỷ lệ giáo viên/lớp là 1,52, trong đó trên 30% số giáo viên dạy ở các trường vùng cao.
Những khó khăn ban đầu về sử dụng thiết bị, ứng dụng công nghệ và kết nối Internet... đã được các thầy, cô giáo nhanh chóng làm chủ để có thể giảng dạy giúp học sinh theo kịp chương trình học tập.
Các nhà trường đã tổ chức cho giáo viên sinh hoạt chuyên môn tại trường hoặc theo cụm trường, tổ chức xem băng hình để nắm rõ hơn về quy trình, cách thức tổ chức dạy học từng môn.
Đặc biệt, toàn Ngành tập trung bồi dưỡng về phương pháp dạy học, nghiên cứu bài học, chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác và sử dụng thành thạo học liệu điện tử.
Đánh giá của Sở GD&ĐT Thái Nguyên về kết quả vận hành Chương trình giáo dục phổ thông mới năm học vừa qua cho thấy, học sinh khối lớp 1 đã mạnh dạn tự tin và có hứng thú hơn trong học tập. Các kỹ năng cơ bản như đọc, viết, nói và nghe của học sinh đều đạt ở mức cao hơn so với học sinh lớp 1 những năm trước. Giáo viên dạy lớp 1 đã bước đầu áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, tích cực đổi mới, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình dạy học.
Tại huyện Võ Nhai, 100% hiệu trưởng các trường được tham gia Hội thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới do Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Sở GD&ĐT tổ chức; 100% cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán đã hoàn thành nội dung bồi dưỡng chương trình mới đúng kế hoạch đề ra.
Giáo viên Trường Tiểu học Sảng Mộc (Võ Nhai) trao đổi về ứng dụng phương pháp dạy học tích cực với chương trình mới.
Đồng chí Phan Thị Phương, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT Võ Nhai cho biết: Học sinh lớp 1 được tiếp cận với việc học tập phát triển năng lực, phẩm chất nên các em có phần linh hoạt, sáng tạo. Năng lực hợp tác, giao tiếp của học sinh có sự vượt trội và học sinh thích thú, tích cực hoạt động. Sách giáo khoa mới giúp các em dễ dàng tự học ở nhà, việc ôn tập và củng cố cũng đạt hiệu quả cao.
Là người trực tiếp dạy học khối lớp 1, cô giáo Hoàng Thị Tám (Trường Tiểu học Thần Sa, Võ Nhai) nhận xét: Cả cô và trò đều thấy hứng thú với những phương pháp học tập mới, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm có lồng ghép nội dung kiến thức với kỹ năng như các hoạt động ở Câu lạc bộ Hát then, đàn tính, cờ vua, xếp hình…, mặc dù đa số học sinh là người dân tộc thiểu số nhưng các em đã thể hiện được sự mạnh dạn trong giao tiếp. Bản thân tôi thấy mình tương tác với học trò tốt hơn, sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin hiệu quả hơn. Toàn bộ giáo viên dạy chương trình mới đều sử dụng thành thạo máy tính, trước đây chỉ dùng sách giáo khoa. Mặc dù công việc soạn bài và chuẩn bị cho mỗi buổi lên lớp bận hơn trước nhưng là cơ hội để tôi tiếp cận nhiều hơn với công nghệ thông tin, kỹ năng xử lý các phần mềm.
Tại Trường Tiểu học Tân Dương (Định Hóa), cô Hoàng Thị Giang là giáo viên cốt cán dạy lớp 1, chia sẻ: Chúng tôi có sự khảo sát thường xuyên theo tháng, theo kỳ, cuối năm học và trước khi vào năm học mới, qua đó nhận biết được mức độ tiếp nhận của học trò, kịp thời bồi dưỡng thêm để các em đảm bảo sự tiến bộ.
Thực tế cho thấy, việc áp dụng phương pháp mới với lớp 1 đạt kết quả tích cực, học sinh không tư duy theo lối mòn mà biết tự sắp xếp từ ngữ trong môn Tiếng Việt theo thực tế. Ngữ liệu trong chương trình mới sinh động, gần gũi. Giáo viên cũng chủ động hơn trong việc điều chỉnh lượng kiến thức sát với năng lực từng đối tượng trên lớp.
Điều quan trọng hơn là giáo viên bắt buộc phải thành thạo công nghệ thông tin và tạo tư duy mở cho học sinh. Còn học sinh được học theo cách trực quan sinh động để xử lý vấn đề theo năng lực bản thân. Học sinh lớp 1 không chỉ đọc thông, viết thạo mà còn mạnh dạn, linh hoạt trong các hoạt động trong học tập.
Kết quả năm học đầu tiên triển khai thành công cho khối lớp 1 trên toàn tỉnh là tiền đề cho các năm tiếp theo. Kết quả này là sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên bắt nhịp phương pháp dạy học mới, áp dụng phù hợp và hiệu quả vào thực tế.