Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để được công nhận chuẩn quốc gia, nhưng duy trì chất lượng chuẩn lại không dễ. Những khó khăn về nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất trường lớp đang là trở ngại trong việc duy trì các tiêu chí đã đạt chuẩn.
Đến năm học 2021-2022 này, toàn tỉnh có 586/686 trường được công nhận chuẩn quốc gia (đạt 85,42%). Đây là kết quả của quá trình đầu tư tập trung của toàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học.
Bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước phải kể đến những nỗ lực của chính quyền các cấp và các nhà trường trong việc huy động sự đóng góp của nhân dân địa phương, huy động nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, các nguồn lực tài trợ từ xã hội không thể bao phủ được hết cho các nhà trường một cách đồng bộ, dẫn đến nhiều trường đầu tư đạt chuẩn đã lâu, nay không còn phù hợp với quy mô phát triển và đang xuống cấp... dẫn đến khó giữ chuẩn.
Cô giáo Trần Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng Xá (Võ Nhai) phân vân: Đạt chuẩn đã khó, giữ chuẩn còn khó hơn. Quy mô học sinh ngày càng tăng, thiếu phòng học, yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới cần có các phòng học chức năng chuyên biệt (Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh, Tin học, phòng học cho học sinh khuyết tật học hòa nhập...) mà các hạng mục cơ sở vật chất cũ chưa có hoặc chưa đầu tư kịp, nên dễ mất chuẩn.
Trường Tiểu học Tràng Xá được công nhận chuẩn quốc gia từ năm 2005, khi đó là niềm tự hào của toàn huyện, sau 3 lần kiểm định lại, cơ bản vẫn giữ chuẩn chất lượng. Đội ngũ giáo viên ngày càng tiến bộ, vượt chuẩn, nhưng cơ sở vật chất lại ngày càng xuống cấp. Năm học 2021-2022 này, Trường thiếu 1 phòng học, do số học sinh tăng. Trường có 2 điểm lẻ nằm cách trường chính từ 4 đến 5km, các điểm trường này còn thiếu 15 phòng học chức năng (Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học, Thư viện). Đến năm 2022 sẽ kiểm định lại, nếu không có nguồn lực đầu tư tập trung thì sẽ khó giữ chuẩn.
Với huyện vùng cao Võ Nhai, bên cạnh những khó khăn về kinh tế-xã hội, khó khăn về chi phí, định mức đầu tư cơ sở vật chất trường học cũng tốn kém hơn ở các đô thị. Chính vì vậy việc cân đối bố trí nguồn vốn sửa chữa, cải tạo chống xuống cấp thường xuyên các công trình trường học hàng năm cũng khó khăn.
Trong số 45/64 trường trên địa bàn toàn huyện đạt chuẩn quốc gia có trên 60% đã được công nhận trên 10 năm, trong đó hầu hết các trường đều thiếu phòng học chức năng theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhiều trường phải tận dụng các phòng họp hội đồng, phòng công tác Đoàn, Đội, nhà kho, thậm chí cải tạo cả nhà để xe... làm phòng học chức năng.
Khảo sát tại Trường Tiểu học Khe Mo (Đồng Hỷ), chúng tôi nhận thấy những giá trị về chất lượng cơ sở vật chất của một trường chuẩn quốc gia gần như không còn. Ngoài dãy nhà hai tầng cũ với 12 phòng học đã sử dụng hơn chục năm có vẻ bề thế, thì các phòng học, nhà làm việc hiệu bộ đều là nhà cấp IV, trần cót mục rỗng.
Cô giáo Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Trường được công nhận chuẩn quốc gia đã hơn chục năm, đến năm 2017, sau khi kiểm định và được công nhận lại, các tiêu chuẩn khi đó chưa yêu cầu cao như Chương trình giáo dục phổ thông mới. Hầu hết các phòng học là nhà cấp IV đều xuống cấp nặng, phòng học nhà hai tầng thì hệ thống cánh cửa ra vào, cửa số đều đã mục yếu...
Chuẩn bị cho năm học mới, Trường đã huy động phụ huynh đến gia cố lại, cải tạo phòng công vụ làm lớp học, láng lại nền bằng xi măng, dồn ghép thư viện với với phòng học môn Tin. Còn sân trường vẫn nền xi măng cũ cách đây hàng chục năm, nhiều vị trí đã bong tróc.
Hiện nay, Trường vẫn còn 3 phòng học tạm và thiếu 1 phòng học. Đối chiếu với các tiêu chí trường chuẩn quốc gia, trường chưa đủ điều kiện đạt chuẩn, trong khi thời điểm kiểm định lại là năm 2022 đã đến gần…
Tại huyện Đồng Hỷ, theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo, đến nay, toàn huyện đã có 51/53 trường từ cấp mầm non đến THCS đạt chuẩn quốc gia. Trong số này có gần 70% được công nhận chuẩn cách đây từ 10 năm trở lên và không ít hạng mục trường lớp đã và đang xuống cấp.
Khó khăn trong việc duy trì chất lượng trường chuẩn quốc gia tại các trường học hiện nay cho thấy việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cần tiến hành thường xuyên để chống xuống cấp. Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã vận hành được 2 năm cho lớp 1, lớp 2 và chuẩn bị cho triển khai ở lớp 3 rồi lớp 4 và lớp 5... nên rất cần bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kịp thời đáp ứng yêu cầu, đồng thời bảo đảm giữ và nâng chất lượng chuẩn quốc gia.