Giáo dục đạo đức cho học sinh: Cách làm sáng tạo ở một trường học

11:00, 15/11/2021

Những cử chỉ chưa đúng, thiếu trách nhiệm của học sinh... được giáo viên xây dựng thành video, tập hợp hình ảnh rồi trình chiếu cho các em xem vào giờ sinh hoạt mỗi tuần, điều này đã trực tiếp làm thay đổi ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân. Đó là cách làm sáng tạo về đổi mới giáo dục đạo đức cho học sinh, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân với tập thể của Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (T.P Thái Nguyên).

4 chủ đề của năm học này là “Lễ phép, Thân thiện, Trung thực, Trách nhiệm” đã được Trường Tiểu học Nguyễn Huệ triển khai sâu rộng đến từng giáo viên, học sinh và phụ huynh bằng hình thức tuyên truyền các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của ngành Giáo dục ngay từ đầu năm học.

Cô giáo Hà Phong Lan, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Với học sinh bậc tiểu học, phương pháp giáo dục đạo đức và hành vi đạo đức phải gắn liền với hoạt động thực tế, trải nghiệm. Các lớp nhỏ thì cần “cầm tay chỉ việc” hơn là thuyết trình, giảng bài trên lớp.

Từ thực tế công việc chuyên môn, Trường đã xây dựng nhiều giải pháp đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Cô Lan đưa ra ví dụ: “Sau nhiều lần giám sát hệ thống camera của Nhà trường khi học sinh tan học, mặc dù học sinh được giáo viên trực tiếp hướng dẫn xếp hàng lần lượt đi ra cổng theo trật tự, đồng thời chỉnh đốn trang phục, cài mũ bảo hiểm đúng cách... nhưng hầu như các em tỏ ra nôn nóng dẫn đến có thời điểm ùn tắc giao thông. Trong số hơn 1.200 học sinh thì có một vài em diện học sinh khuyết tật học hòa nhập hoặc sức khỏe không tốt... Những học sinh này, nếu xếp hàng thì sẽ khó khăn hơn. Các cô giáo đã trực tiếp hướng dẫn bạn cùng lớp dành sự ưu tiên cho các bạn gặp khó khăn về sức khỏe được ra trước, hoặc đưa bạn về các vị trí ngồi an toàn đợi người nhà đến đón. Cứ như vậy, thậm chí cô giáo chụp lại hình, quay video bằng điện thoại về cử chỉ hành động đẹp, cuối tuần lại trình chiếu vào giờ sinh hoạt cho các lớp xem và để các bạn bày tỏ cảm nhận của mình thông qua kiến thức các bài học đạo đức”.

Từ cách làm cụ thể này, Trường đã tổ chức phát động mỗi lớp học xây dựng một chuyên đề theo bốn nội dung chủ đề năm học bằng hình thức giáo dục trực quan thông qua video hoặc hình ảnh động.

Cô giáo Mai Thị Thanh Hiền, Tổng phụ trách Đội của Trường chia sẻ: Các em đều biết phải giữ gìn vệ sinh chung, nhưng không phải thông điệp đó lúc nào các em cũng thực hiện đúng. Sau khi quan sát thấy các em ra chơi ngồi chơi xếp hình, trống vào lớp là vội vàng bỏ lại rác, khẩu trang tại chỗ, chúng tôi ghi hình lại rồi sau đó xây dựng thành tình huống bài học. Trình chiếu lại vào các buổi sinh hoạt lớp và cho học sinh tự nhận xét theo từng lứa tuổi…

Sau 2 tuần đầu tháng 10 sinh hoạt chuyên đề bằng hình thức tiếp cận hình ảnh, video trực quan thực tế tại chính khuôn viên trường mình, toàn trường đã thu nhận được gần 700 ý kiến phản hồi, tương tác của học sinh.

Đặc biệt, các em học sinh lớp 4, lớp 5 đã có hàng trăm bài viết bình luận về chủ đề “Trách nhiệm” với môi trường, với cộng đồng... bằng nhiều hình thức viết tay hoặc phản hồi trên các thiết bị điện thoại thông minh, máy tính.

Cũng sau đợt sinh hoạt này, việc giữ môi trường sạch đẹp được các em tự giác chấp hành tốt hơn, học sinh tự giám sát nhau và giáo viên ít phải nhắc nhở.

Mở rộng hơn hình thức giáo dục đạo đức cho học sinh bằng hình ảnh trực quan, giáo viên các lớp đã chuyển đến phụ huynh, đồng thời mời tham gia tương tác, nhận xét để tham gia ý kiến vào phương pháp giáo dục này. Kết quả đã thu nhận được trên 600 ý kiến phản hồi qua hệ thống câu hỏi và ý kiến nhận xét.

Chúng tôi còn được biết, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ đã và đang triển khai hình thức giáo dục đạo đức bằng các sản phẩm truyền thông (hình ảnh, video), tạo được sức lan tỏa từ học sinh đến phụ huynh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục: Kỷ cương, tình thương và trách nhiệm. Đây cũng là những giá trị cốt lõi để Nhà trường tiếp tục duy trì chất lượng chuẩn quốc gia hàng năm.