Cải thiện chất lượng học ngoại ngữ (tiếng Anh) cho học sinh phổ thông là điều kiện và cơ hội đào tạo nhân lực hội nhập quốc tế của ngành Giáo dục.
Trong những năm qua, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã tập trung xây dựng đội ngũ, bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo viên bộ môn Tiếng Anh. Chất lượng giáo viên ngày càng được cải thiện và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng. Nếu như năm 2015, tỷ lệ giáo viên môn Tiếng Anh các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có gần 40% đạt chuẩn về năng lực theo trình độ, thì đến nay 100% đều đạt chuẩn về bằng cấp và hằng năm, đội ngũ giáo viên chủ động sát hạch cập chuẩn. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 900 giáo viên bộ môn Tiếng Anh tại các trường học, trong đó, hơn 93% số giáo viên đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ từ B2 đến C2. Đây là cơ sở để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh.
Tuy nhiên, động lực để học tốt môn Tiếng Anh trong các nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, khi thái độ, động cơ học tập của học sinh còn chưa được coi trọng như một số môn học khác. Chính vì vậy, từ năm 2019, tỉnh Thái Nguyên chính thức đưa thêm môn Tiếng Anh vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, nhằm tăng thêm động lực cải thiện chất lượng học tập của học sinh. Song thực tế, sự chuyển biến về lượng chưa được cải thiện nhiều. Kết quả điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 những năm gần đây chưa năm nào điểm trung bình đạt 5,0. Năm 2019, môn Tiếng Anh có điểm bình quân là 4,1; năm 2020, là 4,5 và năm 2021, là 4,0. Tại kỳ thi THPT Quốc gia và kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây, điểm trung bình cũng chỉ đạt mức 5.0 điểm. Năm 2017, điểm bình quân môn Tiếng Anh là 3,8; năm 2018 là 3,4, năm 2019 là 3,8; năm 2020 là 4,0 và năm 2021 là 5,2.
Có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề cải thiện chất lượng học môn Tiếng Anh trong các trường phổ thông, nhưng thực tế động lực, mục đích nhu cầu học tập của học sinh chưa thật sự rõ ràng, dẫn đến chất lượng học tập không đồng đều. Nhìn lại kết quả điểm thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2021-2022, có thể thấy sự chênh lệch về chất lượng học tập của học sinh các địa phương là rất lớn: Kết quả điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 thuộc 10 trường điểm cao nhất trong tổng số gần 200 trường THCS toàn tỉnh có độ chênh lệch 3,6 điểm.
Cụ thể như Trường THCS Chu Văn An (T.P Thái Nguyên) có điểm trung bình môn Tiếng Anh là 9,4; còn trường đứng thứ 10 là THCS Tân Thành (T.P Thái Nguyên) là 5,446. Ngoài địa bàn T.P Thái Nguyên, có Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương đứng thứ 5 với điểm trung bình là 5,8. Theo xếp hạng thì các trường THCS trên địa bàn T.P Thái Nguyên có điểm cao hơn các địa phương khác, tiếp đến là các trường phổ thông dân tộc nội trú các huyện. Song, có những trường ngay trung tâm T.P Thái Nguyên cũng chưa hẳn đã xếp hạng cao về điểm số môn Tiếng Anh, như: THCS Đồng Bẩm, có điểm trung bình 4,2, hoặc Túc Duyên đạt trung bình 4,6… Tại kỳ thi này, có trên 20 trường có điểm trung bình chưa đạt 3 điểm, như các trường THCS: Liên Minh, Thượng Nung (Võ Nhai); Yên Lạc, Yên Ninh (Phú Lương) chỉ đạt trung bình từ 2,3 đến 2,6 điểm.
Chia sẻ những khó khăn về dạy học môn Tiếng Anh, cô giáo Hoàng Thị Hiền, Trường THCS Bảo Linh (Định Hóa) cho biết: “Đa số học sinh xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp. Hết giờ học, các em vội vàng trở về giúp gia đình lao động, nên trên lớp, học được chữ nào thì học, còn hầu như các em không xem lại bài hay ôn tập nên không tiếp thu được bài, không hiểu bài...”.
Có thể nói, bên cạnh các chính sách thúc đẩy việc nâng cao chất lượng học môn Tiếng Anh thì việc tạo môi trường học tiếng Anh là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần đề cao trách nhiệm, động cơ, mục đích người học và thay đổi tư duy “học để thi” bằng “thi để học”, từ đó mới quyết định chất lượng học tập.