Trong tình hình dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, việc dạy và học trực tuyến được xem giải pháp tình thế cho ngành Giáo dục. Nhiều khó khăn và thách thức, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội học tập không giới hạn không gian, thời gian và mọi lứa tuổi từ thực tế dạy và học trực tuyến.
Nhanh chóng thích nghi
Thời gian đầu năm học 2020-2021, khi ngành Giáo dục chuẩn bị đưa ra chủ trương dạy học trực tuyến do ảnh hưởng dịch COVID-19, các trường học phải tạm dừng đón học sinh, nhiều điểm dân cư phải thực hiện giãn cách, cách ly phòng, chống dịch. Lúc này, từ các phụ huynh, các nhà quản lý giáo dục đến đội ngũ giáo viên đều hết sức lo lắng về việc sử dụng thiết bị và công nghệ, phương pháp giảng dạy trực tuyến như thế nào, sự hợp tác của phụ huynh học sinh ra sao, tính hiệu quả?... Tuy nhiên, những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu đều nhanh chóng được các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh và học sinh đồng hành vượt qua.
Đến nay, chúng ta có thể khẳng định, toàn xã hội đã thừa nhận và bước đầu tin tưởng rằng có thể tổ chức dạy học trực tuyến thành công ngay với học sinh lớp 1; các lớp học càng cao thì sẽ càng thuận lợi và hiệu quả hơn. Từ kết quả đó, xa hơn, sẽ rất thuận lợi để chúng ta thực hiện một xã hội học tập suốt đời ở mọi lúc, mọi nơi, mọi chương trình của mọi độ tuổi người học.
Theo thống kê toàn ngành Giáo dục năm 2020, thông qua dạy và học trực tuyến, đã có trên 80% trong tổng số hơn 20 nghìn giáo viên toàn tỉnh làm chủ thiết bị và công nghệ dạy học trực tuyến; trên 92% trong tổng số hơn 140 nghìn học sinh tiếp cận và được học trực tuyến. Năm 2021, các thống kê về hiệu quả dạy và học trực tuyến đã có nhiều cải thiện tích cực: Trên 97% số giáo viên làm chủ thiết bị và công nghệ dạy học trực tuyến; trên 98% số học sinh được tiếp cận và học trực tuyến thuận lợi. Toàn ngành Giáo dục đã xây dựng được hàng nghìn dữ liệu dạy học điện tử được chuyển đổi sang số hóa và sử dụng chung trong các nhà trường. Các vùng “lõm” thông tin đã có thể khai thác dữ liệu để chuyển đến học sinh bằng hình thức phát lại video và hệ thống tư liệu tham khảo điện tử...
Kết nối và khai phóng tri thức
Việc thực hiện dạy học trực tuyến thời gian qua đã mở ra khả năng về hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến đối với từng loại nội dung chương trình... tiến tới chỉ sử dụng bản mềm đối với tất cả tài liệu phục vụ việc dạy học. Ngoài ra, giáo viên có thể tổ chức các buổi dạy trực tuyến ngoài giờ cho nhóm học sinh, hay bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho nhóm học sinh giỏi, giúp các em định hướng phân luồng sớm.
Đối với học sinh, đây là cơ hội để các em chủ động tiếp cận với thiết bị hỗ trợ học tập, như điện thoại, iPad, máy tính,… dần hình thành cho các em một tâm thế, khả năng học tập trên thế giới phẳng. Việc học trực tuyến giúp các em hình thành các kỹ năng để khai thác nguồn tri thức vô tận trên thế giới phẳng. Dạy và học trực tuyến đã vượt qua rào cản khoảng cách địa lý, thế hệ,… và ngay cả rào cản ngôn ngữ (dịch tự động bằng trí tuệ nhân tạo); tối ưu hóa tần suất khai thác từ một tài liệu học tập nào đó cho số lượng học viên rất lớn; những kiến thức mới được cập nhật, giảm được rất nhiều chi phí so với dạy học trực tiếp.
Có thể nói, những thành công bước đầu của hình thức dạy học trực tuyến trên diện rộng đợt này đã mở ra cho chúng ta cơ hội vàng vận dụng, khai thác nền tảng công nghệ vào lĩnh vực giáo dục một cách quyết liệt hơn, sâu rộng hơn. Đây chính là cơ hội để toàn xã hội sẵn sàng học tập mọi lúc, mọi nơi, học suốt đời…
Tuy nhiên, việc đồng bộ hóa các chế tài quản lý, công cụ đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy và học trực tuyến, học liệu, tính tường tác cũng như môi trường hệ sinh thái sư phạm trong hoạt động giáo dục cần được thiết kế chặt chẽ và phù hợp hơn nữa. Đây cũng là những vấn đề nhằm khắc phục những hạn chế của không gian giáo dục ảo sát với thực tế hơn, để hoạt động dạy và học trực tuyến không bị gò bó, căng thẳng hoặc ảnh hưởng tác dụng phụ từ các thiết bị điện tử.
Nhà giáo Nhân dân Trịnh Trúc Lâm: “Có thể nói, chưa bao giờ trong lịch sử ngành Giáo dục Việt Nam lại phải đưa ra một quyết định chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến nhanh chóng, với quy mô rất lớn, trên phạm vi tất cả các cấp học như hai năm vừa qua. Linh hoạt và thích ứng kịp thời, đồng thời mở ra cơ hội khai sáng và kết nối tri thức nhân loại bởi thành tựu công nghệ thông tin phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.