Việc hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp và đạt được kết quả tốt đã thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo, học đi đôi với thực hành trong trường phổ thông, góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Trường THPT huyện vùng cao Võ Nhai có những ý tưởng sáng tạo trở thành dự án khởi nghiệp đầy tiềm năng.
Với quan điểm: Dạy và học đi đôi với thực hành, để dễ nhớ, dễ hiểu và cho học sinh thấy được mục tiêu của học tập để làm gì cho tương lai -Thầy giáo Lê Hải Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Nhai chia sẻ với chúng tôi về những giải pháp đổi mới phương pháp dạy và học của Nhà trường thời gian qua. Quan điểm này càng phù hợp hơn với học sinh miền núi, vùng cao khi các em ít được trải nghiệm trong các môi trường thí nghiệm hiện đại, hoặc đi học thêm.
Ở một góc sân trường, thầy giáo dạy môn Hóa học Nguyễn Nam Hưng cùng các học sinh Hoàng Phương Thảo, lớp 12A1 và Trần Thanh Nội, lớp 12A4, là tác giả của Dự án “Sản xuất xà phòng từ cơm dừa”, đang hoàn thiện chế tạo sản phẩm cùi dừa thu gom được để làm nên các loại xà phòng thơm, sát khuẩn phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Ưu điểm lớn nhất chính là các thành phần tạo nên xà phòng đều từ những nguyên liệu tự nhiên, không gây tác dụng phụ và ô nhiễm môi trường.
Hoàng Phương Thảo chia sẻ: “Trên lớp chúng em nhớ không hết các công thức Hóa học, Vật lý, hay kể cả phép toán về kinh tế... nhưng được thực hành, các công thức này đều được tích hợp trong một sản phẩm cụ thể. Thú vị hơn là học đến đâu, chúng em vận dụng kiến thức đến đó, dễ nhớ như một bài học ôn tập liên môn Khoa học tự nhiên”.
Còn em Trần Thanh Nội cho biết: Cơm dừa, hay cùi dừa là nguyên liệu tự nhiên rất dễ tìm kiếm, giá thành hợp lý, một số nơi người dân còn bỏ đi, nên dễ khai thác. Trong phản ứng xà phòng hóa giữa dầu dừa và xút, Glixerol dưỡng da được lưu trữ trong quá trình sản xuất. Từ những lý do trên, chúng em đã nghiên cứu và thực hiện đề tài. Loại xà phòng này an toàn cho sức khỏe, tốt cho da và không chứa hóa chất gây hại.
Thuyết minh về quy trình, Thảo cho biết thêm: Quy trình là đun váng dừa cho tới khi sôi, vặn nhỏ bếp, rồi khuấy đều tay để nước cốt dừa không bị cháy bén vào đáy xoong tới khi lớp bã dừa chuyển hẳn sang màu vàng nâu. Khoảng thời gian xuất hiện lớp dầu có thể tùy vào độ to nhỏ của lửa và việc lấy nước cốt dừa có chuẩn hay không, trung bình từ 45 phút tới 90 phút; sau đó tắt bếp và chắt lọc lớp dầu dừa vàng óng, để nguội và cho dầu dừa thu được vào chai, có thể sử dụng ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh một thời gian.
Dự án đã được đánh giá cao tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm học 2021-2022 cấp tỉnh. Thầy giáo Nguyễn Nam Hưng rất tâm đắc khi thấy học sinh của mình đã chuyển hóa những kiến thức liên môn thành hoạt động thực tế.
Thầy Hưng cho rằng: “Hơn ai hết, thầy cô giáo phải là người tạo cho học sinh những cơ hội được trình bày ý tưởng của mình đối với các vấn đề trong cuộc sống. Ngoài việc khuyến khích các em mạnh dạn, tự tin trình bày ý tưởng, vấn đề quan trọng là trang bị cho các em kỹ năng giải quyết vấn đề và các giải pháp để hiện thực hóa ý tưởng”.
Không chỉ làm sản phẩm xà phòng từ cùi dừa, thầy Hưng và các đồng nghiệp đã hướng dẫn học sinh nghiên cứu thành công ứng dụng “Diệt sâu bọ an toàn từ hạt na” (sản phẩm từng đạt giải Vàng “Trí thức vì sự nghiệp phát triển nông thôn” năm 2015, do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên trao tặng). Năm 2020, cũng từ các trải nghiệm thực tế, thầy Hưng và các đồng nghiệp đã hướng dẫn học sinh làm thành công chất tẩy rửa thay xà phòng công nghiệp từ quả bồ hòn trên các triền núi Võ Nhai...
Là nhà giáo đã nhiều năm gắn bó với miền núi, vùng cao, thầy Hiệu trưởng Lê Hải Thanh cho biết: Mỗi môn học đều có những ứng dụng thực tế rất phong phú, vì vậy, đa số học sinh nông thôn có nhiều kỹ năng ứng dụng thực tế. Do đó, phương pháp dạy học luôn bám sát thực tế, lấy kiến thức khoa học để luận giải những vấn đề đang diễn ra. Như vậy học sinh dễ nhớ, dễ vận dụng và giáo viên cũng hạn chế được dạy học “chay”. Hiện nay, hàng tháng giáo viên đều tổ chức thảo luận và lựa chọn bài giảng tích hợp liên môn; bài giảng áp dụng trải nghiệm thực tế. Đây cũng là nhiệm vụ đổi mới giáo dục mà Nhà trường đang đặt ra.