Ngay sau Tết Nguyên đán Nhân Dần 2022, hầu hết các địa phương trong cả nước đều đã xây dựng kế hoạch và tổ chức cho học sinh, sinh viên đến trường học trực tiếp. Đây là yêu cầu mang tính cấp thiết về chuyên môn và mong mỏi của rất nhiều gia đình. Tuy nhiên, đi kèm theo đó cũng là những lo lắng về việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 trong nước tiếp tục ở mức cao.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đáng chú ý, đây là lần thứ 2 Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nhanh chóng mở cửa giáo dục để học sinh, sinh viên đến trường trực tiếp, chậm nhất là ngày 14-2. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành chuyên môn và các địa phương nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong việc dạy học trực tiếp để có biện pháp tháo gỡ và đề xuất nếu vượt quá thẩm quyền.
Thực tế đối với học sinh, trường học là nơi quan trọng để các em có thể giao lưu, học tập. Trường học đóng cửa lâu khiến các em mất đi môi trường lành mạnh để học tập, bồi dưỡng kiến thức, chăm sóc sức khỏe tinh thần. Nếu không có biện pháp kết hợp thật tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội thì việc nghỉ học lâu rất dễ dẫn đến nguy cơ sang chấn tâm lý, thậm chí một số cháu còn bị trầm cảm.
Ngoài ra, nhiều học sinh khó khăn về điều kiện kinh tế, các em ở khu vực miền núi, vùng sâu, xa; những học trò khuyết tật, không có đủ trang thiết bị học trực tuyến thì sẽ càng thiệt thòi hơn để tiếp thu kiến thức.
Khi Việt Nam và nhiều nước trên thế giới chủ trương thích ứng an toàn với COVID-19 thì việc mở cửa trường học, đón học trở lại học trực tiếp rất cấp thiết. Điều này càng có cơ sở khi tỷ lệ bao phủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19 của nước ta đạt gần 100% ở cả người lớn và trẻ từ 12-17 tuổi cùng những kinh nghiệm trong phòng, chống dịch và nhận thức của người dân tăng lên.
Tất nhiên, việc tổ chức học trực tiếp cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch ở địa phương. Cụ thể như việc các trường phối hợp với cơ sở y tế lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho cán bộ, giáo viên, học sinh; thực hiện nghiêm túc quy tắc 5K và một cung đường 2 điểm đến đối với học sinh. Đồng thời có phương án phù hợp với các tình huống dịch xảy ra.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, giải pháp quan trọng nhất vẫn là tăng độ phủ tiêm vắc-xin phòng dịch. Mới đây, Chính phủ đã quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với việc mua 21,9 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Việc triển khai tiêm chủng cho nhóm lứa tuổi này sẽ được tiến hành khẩn trương nhưng vẫn trên tinh thần thận trọng, từng bước chắc chắn và đặt an toàn lên hàng đầu.