Trở lại dạy và học trực tiếp trong những ngày dịch COVID-19 tái bùng phát, các nhà trường trên địa bàn T,P Thái Nguyên đã nhanh chóng chuyển trạng thái để thích ứng, bảo đảm không gián đoạn hoạt động dạy và học. Nhiều trường, lớp đã được tổ chức theo hình thức dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Sau một thời gian dài dạy và học trực tuyến, giáo viên và học sinh trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã quay trở lại học trực tiếp từ sau Tết Nguyên đán. Niềm vui mở trường trở lại chưa được bao lâu, các cơ sở giáo dục đã phải đối mặt với sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19.
Nhiệm vụ dạy học, giám sát, chăm sóc học sinh và chủ động phòng, chống dịch với mỗi giáo viên trở nên vất vả hơn các đợt học trực tuyến toàn trường trước đó, nhưng từ phụ huynh, giáo viên và học sinh đều thể hiện quyết tâm không để gián đoạn và kết thúc năm học đúng thời gian quy định.
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều nhà trường đã rất nỗ lực, linh hoạt sáng tạo, điển hình là những “lớp học song song” giữa mùa dịch. Để đảm bảo việc học tập cho cả học trò trên lớp và học trò phải nghỉ ở nhà cùng thực hiện 1 thời gian biểu và cùng thời khóa biểu, các nhà trường đã vận dụng tối đa sự hỗ trợ của thiết bị điện tử và công nghệ thông tin tổ chức lớp học cùng lúc vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Nhiều hình thức tổ chức lớp học linh hoạt, như: Lớp học không giáo viên, lớp học không học sinh và lớp học không giới hạn (ghép nhóm cùng đối tượng học trực tiếp, hoặc trực tuyến)...
Tại trường THCS Huống Thượng, tất cả 11 phòng học đều được lắp camera và máy chiếu. Giáo viên vừa dạy cho học sinh trên lớp đồng thời sử dụng laptop kết nối lớp học trực tuyến cho những em phải nghỉ ở nhà.
Nếu như tuần đầu tiên, tỷ lệ học sinh đến lớp đạt trên 90%, thì đến tuần thứ hai còn gần 40%. Tuy vậy, đáng mừng là 100% học trò đều được tiếp cận, tham gia các tiết học theo đúng tiến độ.
Cô giáo Ngô Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Các thầy cô cùng một lúc phải đảm bảo việc tương tác với học trò tại lớp, lại vừa phải vào máy tính trao đổi với học trò ở nhà, tuy là 1 lớp nhưng khối lượng làm việc như 2 lớp. Giờ ra chơi hay buổi tối, các thầy cô vẫn tiếp tục gửi thêm video bài học và hướng dẫn thêm cho học sinh nghỉ ở nhà”.
Lớp học trực tuyến kết hợp trực tiếp tại Trường Tiểu học Sơn Cẩm 3.
Với trường Tiểu học Trưng Vương, những ngày này đang diễn ra các tiết học đặc biệt. Thầy giáo Dương Duy Hưng, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Với 32 lớp học, một nửa số phòng được trang bị camera, số còn lại đảm bảo đường truyền để giáo viên kết nối trực tuyến trong mọi trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, khó khăn nhất là sắp xếp lịch dạy và học hàng ngày cho phù hợp và mọi học sinh đều được học đúng, đủ theo phân phối chương trình. Trường đã có 2 lớp phải học trực tuyến cả lớp do cuối ngày gia đình báo có em là F0. Mỗi buổi hoc, lớp lại vơi đi vài em do phải cách ly y tế, số F0 tăng dần từ 20 lên hơn 30 em, kéo theo nhiều bạn học và giáo viên là F1... nên lớp học phải sắp xếp, thay đổi thời khóa biểu từng ngày.
Trong phòng học của lớp 5D, các em học sinh ngồi hướng lên màn chiếu, theo dõi bài giảng cô giáo đang thực hiện tại nhà. Cô giáo đứng lớp thuộc diện F1 không đến trường nên các đồng nghiệp lắp đặt căn chỉnh thiết bị, và học sinh vẫn vào tiết học như bình thường dù không có cô giáo trên bục giảng.
Ngay bên cạnh, tại phòng học lớp 4B, toàn bộ học sinh không đến lớp vì liên quan đến dịch, một mình cô giáo vẫn đứng trước máy quay với máy tính, với phấn bảng như thường ngày. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng tâm sự: “Dù bỡ ngỡ khi đứng lớp mà trước mặt vắng bóng học sinh, nhưng tôi vẫn thực hiện đầy đủ bài giảng, ghi nội dung bài giảng trên bảng để các em tiếp thu bài học như bình thường. Chỉ hơi khó là phải tương tác qua hình ảnh và micro, nhưng nhờ thiết bị và đường truyền tốt nên cô và trò đảm bảo theo thời khóa biểu và chương trình”.
Nhờ ứng dụng công nghệ linh hoạt và sáng tạo, các lớp học không còn lo bị đứt quãng, thời khóa biểu và tiến độ chương trình không bị xáo trộn, kể cả khi học sinh hoặc giáo viên không thể đến lớp. Có thể nói, việc kết hợp trực tiếp và trực tuyến như hiện nay là phương thức tối ưu, phù hợp và hiệu quả nhất trong bối cảnh vừa chống dịch, vừa duy trì hoạt động dạy và học theo khung chương trình năm học.