Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã được mở cửa trở lại, đón trẻ đến trường. Với nhiều bậc phụ huynh cũng như các giáo viên, trẻ trở lại trường là ngày vui lớn khi các bé được tái hòa nhập môi trường trường lớp; cha mẹ cũng đỡ vất vả trông trẻ trong khi vẫn phải đi làm; còn các nhà trường, thầy cô được trở lại với công việc và sẽ có thu nhập. Thế nhưng, đến nay nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập vẫn tiếp tục tạm dừng hoạt động hoặc mở cửa được vài ngày lại ngậm ngùi xin đóng cửa trường...
Mầm non Sunrise Kids (phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên) là một trong những cơ sở mầm non tư thục được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang, hiện đại. Mới hoạt động được hơn 1 năm nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Nhà trường đã phải đóng cửa quá nửa thời gian.
Chị Nguyễn Thị Thu Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xây dựng Quỳnh Minh trải lòng: Tổng kinh phí Công ty đầu tư xây dựng Trường Mầm non Sunrise Kids là gần 100 tỷ đồng, chưa dám mơ đến chuyện hoàn vốn, hơn một năm qua Nhà trường liên tục phải ngừng hoạt động, không có nguồn thu. Khi có quyết định cho trẻ trở lại trường sau Tết, chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về vấn đề này. Lo ngại dịch bệnh nên đa số các các gia đình đều lựa chọn tiếp tục cho con ở nhà, vì vậy Nhà trường vẫn tiếp tục tạm ngừng hoạt động. Hiện mỗi tháng, Công ty chúng tôi phải “gồng mình” bố trí kinh phí trên 100 triệu đồng hỗ cho các giáo viên vừa để san sẻ khó khăn với họ, vừa để giữ chân người lao động.
Sau 3 năm liên tiếp bị tác động bởi dịch COVID-19, hệ thống trường mầm non BonBee đã nhiều lần phải tạm dừng hoạt động. Toàn Trường hiện có 4 cơ sở với 800 trẻ và 160 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Không có học sinh đi học, đồng nghĩa với việc các khoản thu không còn. “Bài toán” cân đối thu chi của Nhà trường nhiều tháng qua cho kết quả là con số âm.
Để duy trì hoạt động, mỗi tháng Nhà trường phải chi trả các khoản như tiền vay gốc, tiền lãi ngân hàng, tiền điện, nước, tiền vệ sinh khử khuẩn trong thời gian tạm nghỉ do dịch COVID-19. Dù Nhà trường đã xoay xở kinh phí hỗ trợ một phần lương các thầy cô, nhưng vì quá khó khăn nên đã có 20 giáo viên buộc phải bỏ để đi làm việc khác.
Cô Lương Thị Hồng Thắm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bonbee, ngậm ngùi nói: Sau Tết Nguyên đán, ngày 10-2 Nhà trường mở cửa trở lại. Thế nhưng trung bình mỗi lớp chỉ có từ 2 đến 3 trẻ ra lớp, cố gắng “cầm cự” được 9 ngày, chúng tôi đành phải xin phép Phòng Giáo dục và Đào tạo T.P Thái Nguyên cho ngừng hoạt động.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 68 cơ sở mầm non ngoài công lập, với 6.385 trẻ, tập trung chủ yếu ở T.P Thái Nguyên. Sau Tết, 57/68 trường đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỷ lệ trẻ mầm non ngoài công lập đi học trở lại chỉ đạt trung bình 15-18%. Vừa lo cho sự an toàn của các học sinh lại thêm thu không đủ chi nên “cực chẳng đã” nhiều trường lại phải đóng cửa.
Trải qua các đợt dịch COVID-19, các cơ sở mầm non ngoài công lập đã quá “đuối sức” khi phải liên tục chật vật lo chi phí trang trải thuê mặt bằng, trả lãi ngân hàng, trả lương để giữ chân đội ngũ...
Ở một số ít cơ sở có tiềm lực, giáo viên được hỗ trợ một phần chi phí, còn lại đành chấp nhận nghỉ việc không lương.
Trước thực tế này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ phương án gói hỗ trợ người lao động và cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập khoảng 800 tỷ đồng; trong đó đi kèm một số cơ chế hỗ trợ vay vốn, thuế và các điều kiện khác nhằm giúp các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vượt qua khó khăn.
Gói hỗ trợ này được thông qua sẽ là “chiếc phao” cứu hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập, để các chủ cơ sở và thầy cô giáo tiếp tục duy trì hoạt động, gắn bó với công việc mình tâm huyết và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.