Những ngày này, học sinh đã trở lại trường học nhưng buổi nào con được ở nhà, ông N.D.H. (ngụ T.P Thủ Đức, TPHCM) lại tranh thủ vào kiểm tra máy tính của con trai 11 tuổi để nắm tình hình. Ông H. kể, sau thời gian dài học online bởi các đợt dịch COVID-19 bùng phát, ông phát hiện con trai mình nghiện game online.
Thực tế, sau nhiều tháng “ôm” điện thoại thông minh/máy tính bảng… học online, không chỉ con ông H. mà ngày càng có nhiều trẻ sa đà vào game online và mạng xã hội (MXH).
Trẻ nghiện game gia tăng
Vợ chồng ông H. đi làm nên không có điều kiện ở nhà kèm con. Kiểm tra lại camera, ông thấy suốt các buổi học, con ông chủ yếu chơi game, thi thoảng mới để ý đến lớp học. Thời gian trống còn lại, con ông không rời máy tính nửa bước. Kiểm tra kiến thức thì... hỏng toàn phần. La mắng có, dỗ dành có, tình trạng vẫn không cải thiện. Cuối cùng, ông đành tải phần mềm điều khiển máy tính từ xa để giám sát và can thiệp khi cậu con trai xao nhãng học hành.
Gia đình bà P.T.P.N. (ngụ quận Bình Thạnh) cũng lục đục mấy tháng nay vì cả 2 đứa con đều nghiện game. Suốt thời gian học online ở nhà, hàng ngày bà N. thường xuyên giám sát việc học của con, nhưng vẫn không ngờ, khi bà vừa rời khỏi phòng, con bà liền vào chơi game. Nhiều tháng như vậy dẫn đến con bà bị phụ thuộc vào máy tính, về tới nhà là lao vào “ôm” máy tính, không thiết đến mọi thứ xung quanh. Chỉ đến khi kết quả học kỳ I của 2 con sa sút, chồng bà kiểm tra máy tính mới phát hiện con nghiện game. Bị phát hiện, 2 con bà… chơi game công khai. La mắng thì chúng giận dỗi rồi đòi bỏ học.
Bà Phan Tú Anh (ngụ quận 7) cũng đau đầu vì tình trạng nghiện MXH của cô con gái 13 tuổi. “Đi học về nhà là bọn trẻ dán mắt vào điện thoại. Có khi vừa ăn cơm vừa chơi điện thoại. Không cho sử dụng điện thoại thì không được vì sau khi học online, các thầy cô cũng sử dụng các nền tảng MXH để tương tác, giao bài tập cho học sinh. Mình la mắng hoài thì mệt mình, rồi không khí trong nhà cũng căng thẳng, trong khi bọn trẻ cứ ì ra”, bà Tú Anh buồn bã. Có lần, bà còn giật mình khi phát hiện con tham gia một nhóm trò chuyện trên Facebook với toàn người lạ.
Tiến sĩ xã hội học - Th.s tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy nhận xét, sau nhiều tháng học online, thiết bị điện tử trở thành dụng cụ học tập riêng khiến ngày càng có nhiều trẻ sa đà vào game online, MXH. Quá trình tham vấn tâm lý, bà nhận được rất nhiều trăn trở của các phụ huynh về thực trạng con em họ mê game, MXH.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy, một đứa trẻ được coi là nghiện game hoặc MXH thường có xu hướng mỗi ngày chơi liên tục nhiều giờ, đặc biệt là trẻ có biểu hiện, hành vi bị phụ thuộc vào các thiết bị điện tử và không kiểm soát được hành vi, cảm xúc bất ổn như có phản ứng gay gắt, tiêu cực. Điều này còn làm ảnh hưởng xấu đến việc học của trẻ.
Tăng kết nối cho trẻ
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 311/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trên không gian mạng” giai đoạn 2022-2030. Một trong những mục tiêu của chương trình là đến năm 2025 phấn đấu trên 70%, đến năm 2030 đạt 100% cơ sở giáo dục quốc dân xây dựng tài liệu và giảng dạy kỹ năng thích ứng, sử dụng không gian mạng an toàn, tích cực, hiệu quả cho học sinh, sinh viên.
Nhiều phụ huynh phấn khởi khi Chính phủ quan tâm đến các giải pháp giúp con em họ sử dụng không gian mạng một cách tích cực, an toàn. Bởi vì không phải ai cũng có điều kiện và am hiểu về kỹ thuật để can thiệp khi con trẻ nghiện game online hay mê MXH.
Ông Trần Thanh Tùng (ngụ quận Tân Bình) còn nghĩ đến các giải pháp giúp con cai game, như tổ chức các buổi dã ngoại, cho con ra ngoài nhiều hơn để con được tiếp xúc với môi trường thực tế xung quanh. Theo ông, ở tuổi đang lớn, con trẻ vẫn cần được giao tiếp, vui chơi với các bạn cùng trang lứa.
“Tôi mong trường học, tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động lành mạnh để các con tham gia. Hiện nay, các hoạt động này chưa nhiều và phong phú. Tôi cho rằng, từ các hoạt động tích cực, lành mạnh ấy, trẻ sẽ bớt thời gian nghĩ đến máy tính, game online mà quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống thực tế bên ngoài”, ông Tùng nhận xét.
Ở lứa tuổi có muôn vàn điều muốn khám phá thì với sự hấp dẫn của các trò chơi điện tử và MXH, việc học online trở thành nguồn cơn phát sinh những thói quen không tốt cho trẻ. Song, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy phân tích thêm, học online không phải nguyên nhân cốt lõi dẫn đến trẻ nghiện game, mê MXH. Trong khi, học online là xu hướng tất yếu. Vì vậy, các phụ huynh cần phải có giải pháp để con mình sử dụng thiết bị điện tử thông minh một cách thông minh, hiệu quả.
Theo TS Phạm Thị Thúy, vai trò lớn nhất là của gia đình, cùng với đó là nhà trường và cả xã hội. “Thực tế cho thấy, những gia đình thiếu sự kết nối, con cái có xu hướng sử dụng MXH và chơi game nhiều hơn. Phải thừa nhận, bên cạnh những mặt tiêu cực thì MXH hay game online có nhiều mặt tích cực đáng để học hỏi. Vì vậy, thay vì cấm, hãy định hướng cho trẻ cách sử dụng một cách phù hợp”, TS Phạm Thị Thúy khuyên.
TS PHẠM THỊ THÚY, chuyên gia tâm lý: “Thỏa thuận” sử dụng thiết bị điện tử Nhiệm vụ của cha mẹ là tạo sự kết nối với các thành viên trong gia đình bằng nhiều hoạt động sinh hoạt hàng ngày, vui chơi giải trí chung và kiểm soát việc sử dụng thiết bị điện tử của con cái một cách khéo léo. Cha mẹ có thể thỏa thuận với con về thời gian và các chương trình con chơi, cài đặt một số “cửa chặn” những trang mạng, ứng dụng game không lành mạnh. Đối với nhà trường, cần xây dựng giáo trình giảng dạy online hấp dẫn, luôn thay đổi, bắt kịp những trào lưu lành mạnh của giới trẻ để thu hút học sinh tập trung vào học online thay cho những bài học khô khan. |