Cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu giáo viên

08:29, 19/04/2022

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Phú Bình có chức năng tổ chức hoạt động giáo dục thường xuyên; tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông cho học sinh (HS); đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động trên địa bàn… Hiện nay, Trung tâm đang gặp nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu giáo viên cơ hữu…

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phú Bình được thành lập năm 2016, từ việc sáp nhập 3 đơn vị là Trung tâm GDTX, Trung tâm kỹ thuật - tổng hợp và hướng nghiệp (thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo), Trung tâm Dạy nghề (thuộc UBND huyện Phú Bình).

Trước đây, khi dịch COVID-19 chưa bùng phát và lây lan rộng, Trung tâm có 3 cơ sở (cơ sở 1 thuộc tổ dân phố Đình Cả 2, thị trấn Hương Sơn; cơ sở 2 thuộc tổ 4, thị trấn Hương Sơn và cơ sở 3 đặt tại xóm Tân Sơn, xã Xuân Phương). Từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp (đầu 2020), huyện Phú Bình đã trưng dụng cơ sở 2 và 3 làm địa điểm cách ly tập trung cho các trường hợp nghi nhiễm COVID-19. Do đó, toàn bộ cơ sở vật chất tại 2 địa điểm này được chuyển về cơ sở 1 (Trung tâm GDNN-GDTX hiện nay).

Hiện, Trung tâm có 733 HS, biên chế vào 17 lớp. Theo quan sát của chúng tôi, Trung tâm có 17 phòng học, tuy nhiên chỉ có 8 phòng học được xây dựng kiên cố, còn lại 9 phòng đã xuống cấp (cửa sổ, cửa phòng học đều không còn chắc chắn; trần lớp học thiếu liên kết; một số lớp không có bục giảng…

Ông Nguyễn Thế Thụy, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Với số lượng HS như hiện nay, trong khi số phòng chỉ có 8, chúng tôi buộc phải cải tạo 9 phòng trước đây là những phòng thực hành, kho chứa đồ để phục vụ công tác giảng dạy. Nhiều năm trở lại đây, các phòng xuống cấp, Trung tâm khắc phục tạm thời bằng cách lấy tấm tôn buộc cố định vào cửa sổ ở các lớp học để ngăn cửa rơi. Còn trần của các lớp học nếu thay toàn bộ thì Trung tâm không đủ kinh phí. Về lâu dài, Trung tâm đã báo cáo, đề xuất và được HĐND huyện đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 công trình nhà lớp học 3 tầng 15 phòng. Chúng tôi rất mong công trình sớm được triển khai xây dựng.

Không chỉ cơ sở vật chất xuống cấp, hiện nay ngoài 27 GV (thiếu 2 GV theo biên chế được giao) hiện có, Trung tâm phải thuê thêm 7 GV định xuất khoán theo Nghị quyết HĐND tỉnh (mức lương 5,3 triệu đồng/người/tháng, dạy 17 tiết/tuần) và 8 GV hợp đồng thỉnh giảng (là những thầy, cô đã và đang giảng dạy ở các trường THPT trên địa bàn). Vì là GV hợp đồng, mức lương không cao nên để “giữ chân” các thầy, cô giáo là điều khó khăn. Còn đối với những GV thỉnh giảng, Trung tâm cũng phụ thuộc khá nhiều vào thời gian của các thầy, cô.

Cũng theo chia sẻ của ông Thụy thì có thời gian, một số GV hợp đồng xin nghỉ để đi làm công việc khác với mức thu nhập cao hơn nên Trung tâm rất bí khi bố trí GV dạy, buộc phải tạm thời dừng chương trình học cho đến khi tìm được GV thay thế.

Cô giáo Đào Thị Khuyên, Phó Giám đốc Trung tâm bày tỏ: Hiện nay, ngoài công tác quản lý, tôi phải kiêm thêm chủ nhiệm và dạy môn Lịch sử ở khối 12. Với khối lượng công việc nhiều, tôi thường xuyên phải tranh thủ làm thêm cả buổi trưa và tối để hoàn thành nhiệm vụ…

Những khó khăn về cơ sở vật chất, GV của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phú Bình rất cần sự quan tâm tháo gỡ của các cấp, ngành liên quan.