Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 09/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.
Quyết định nêu rõ, học sinh, sinh viên phải đáp ứng các điều kiện vay vốn sau, thứ nhất, là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (có bố hoặc mẹ hoặc bố và mẹ mất do dịch COVID-19).
Thứ hai, không có máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến dưới mọi hình thức.
Vốn vay được sử dụng để mua máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến bao gồm: Máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng và các thiết bị ghi hình kỹ thuật số (webcam), thiết bị thu thanh (microphone).
Mức cho vay tối đa là 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Lãi suất cho vay 1,2%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.
Về thủ tục, đại diện gia đình của học sinh, sinh viên đứng tên vay và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp học sinh, sinh viên đủ 18 tuổi thì được trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cư trú hoặc nơi nhà trường đóng trụ sở.
Theo Bộ Tài chính, về nguồn vốn cho vay theo Quyết định này và cho vay theo tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định 157 năm 2007 tối đa là 3.000 tỷ đồng. Thực tế, nguồn vốn cho vay tính đến cuối năm 2021 vẫn còn dư khoảng 5.287 tỷ đồng. Do đó, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ căn cứ vào nguồn vốn được giao để cân đối thực hiện cả hai chương trình là cho học sinh, sinh viên vay mua máy tính và phục vụ học tập theo nhu cầu.