Khơi nguồn sáng tạo từ trải nghiệm cùng trò

10:47, 25/04/2022

Thực tế cuộc sống ở nông thôn rất nhiều kiến thức được vận dụng trong các bài học của sách giáo khoa. Bằng sự hỗ trợ học trò trong học tập và thực hành, nhiều thầy cô giáo của các nhà trường đã trở thành bạn đồng hành của các em khi luận giải những vấn đề thực tiễn cuộc sống vào kiến thức bài học.

Là người am hiểu và trân trọng các giá trị về các bài thuốc dân gian ngay trên quê hương mình, thầy giáo Nguyễn Văn Đậm (Phó Bí thư Đoàn trường THPT Đại Từ, Thái Nguyên) có những cách làm độc đáo, hiệu quả, giúp học trò khám phá và luận giải bằng tri thức trong sách giáo khoa. Điều đó góp phần thay đổi tư duy lạc hậu, có phần mê tín khi lý thuyết khoa học trong sách giáo khoa phổ thông chưa được luận giải cặn kẽ đến đời sống người dân nông thôn, miền núi.

Năm 2021, thầy Đậm đã hướng dẫn nhóm học sinh của mình thực hiện thành công đề tài “Bảo tồn và phát huy tri thức y học dân gian dân tộc Dao xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh Trường THPT Đại Từ”.

Đề tài nhận được sự hưởng ứng rất tích cực từ học trò, sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân địa phương. Kết quả nghiên cứu được trao giải Nhì trong cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp tỉnh cho học sinh trung học năm 2021.

Thầy Đậm chia sẻ: Qua thực tế điền dã học hỏi, trải nghiệm thực hành, nhiều học sinh được nâng cao sự hiểu biết, có kiến thức nhất định về các loại dược liệu, bài thuốc dân gian, biết trân trọng và có ý thức bảo tồn, phát huy các tri thức dân gian, nhất là tri thức y học dân gian trong thực tế đời sống.

Phát huy kết quả đó, thầy Đậm cùng đồng nghiệp đã tiếp tục hướng dẫn học trò chăm sóc, cải tạo khuôn viên, xây dựng vườn cây thuốc Nhà trường, từ đó giúp các em nhận biết được cây thuốc, bổ sung thêm kiến thức và nhân rộng sự hiểu biết về khoa học, kỹ thuật trong kho tàng kiến thức dân gian.

Học sinh Trường THPT Đại Từ được hướng dẫn tìm hiểu các cây thuốc của địa phương.

Thầy giáo Vương Lâm, Hiệu trưởng Nhà trường trao đổi: Trong thời gian qua, Câu lạc bộ “Y học dân gian” của Trường THPT Đại Từ thường xuyên có những hoạt động thiết thực, giúp cho các thành viên có thêm sự kết nối cũng như nhiều cảm hứng khám phá nghiên cứu từ thực tiễn liên hệ với kiến thức trong sách giáo khoa.

Còn thầy giáo Nguyễn Nam Hưng (giáo viên bộ môn Hóa học, Trường THPT Võ Nhai, Thái Nguyên) thấu hiểu những thiệt thòi của học trò khi thiếu môi trường học tập, nghiên cứu với công cụ, thiết bị hiện đại.

Năm 2021, thầy Hưng hướng dẫn nhóm học sinh tìm hiểu, nghiên cứu Dự án “Sản xuất xà phòng từ cơm dừa”. Niềm vui lớn đến với cả nhóm khi Dự án đang đi đến hoàn thiện chế tạo sản phẩm cùi dừa thu gom được để làm các loại xà phòng thơm, sát khuẩn phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Các thành phần đều từ những nguyên liệu tự nhiên, không gây tác dụng phụ và ô nhiễm môi trường.

Thầy Hưng tâm đắc khi thấy học sinh của mình đã chuyển hóa những kiến thức liên môn thành hoạt động thực tế. Thầy tâm sự: Hơn ai hết, thầy cô giáo phải là người tạo cho học sinh những cơ hội được trình bày ý tưởng của mình đối với các vấn đề trong cuộc sống. Ngoài việc khuyến khích các em mạnh dạn, tự tin trình bày ý tưởng, vấn đề quan trọng là trang bị cho các em kỹ năng giải quyết vấn đề và các giải pháp để hiện thực hóa ý tưởng.

Được biết, năm 2015, thầy Hưng và các đồng nghiệp cũng đã hướng dẫn học sinh nghiên cứu thành công ứng dụng “Diệt sâu bọ an toàn từ hạt na” (đoạt giải Vàng “Trí thức vì sự nghiệp phát triển nông thôn”, do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Trung ương Đoàn trao tặng).

Năm 2020, cũng từ trải nghiệm thực tế, thầy Hưng và các đồng nghiệp đã hướng dẫn học sinh làm thành công chất tẩy rửa thay xà phòng công nghiệp từ quả bồ hòn trên các triền núi Võ Nhai...

Thầy giáo Lê Hải Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Nhai cho biết: Mỗi môn học đều có những ứng dụng thực tế rất phong phú, vì vậy, đa số học sinh nông thôn có nhiều kỹ năng ứng dụng thực tế. Do đó, phương pháp dạy học luôn bám sát thực tế, lấy kiến thức khoa học để luận giải những vấn đề đang diễn ra. Thầy Hưng và nhiều thầy cô giáo Nhà trường đang làm tốt điều này, giúp học trò tiếp cận kiến thức, luyện kĩ năng hiệu quả hơn.

Học đi đôi với thực hành, gắn vào định hướng nghề nghiệp là một trong những định hướng chính của giáo dục phổ thông. Phương pháp dạy học gắn với trải nghiệm thực tế và đưa kiến thức học tập vào luận giải những vấn đề cuộc sống đặt ra của các trường phổ thông đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu học gắn với thực hành.