Đại dịch COVID-19 thời gian vừa qua đã làm cho hệ thống cơ sở mầm non tư thục, dân lập trên địa bàn tỉnh “ngủ yên”; học sinh ở nhà, trường không thu được học phí, giáo viên không có việc làm, không có thu nhập, cơ sở vật chất xuống cấp. Trở lại trạng thái bình thường, các nhà trường đang dần hồi phục, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Dịch COVID-19 bùng phát, học sinh cấp học mầm non phải ở nhà, làm cuộc sống nhiều gia đình xáo trộn. Đơn cử như vợ chồng chị Ma Thị Na quê ở xã vùng cao Thượng Nung (Võ Nhai) làm công nhân ở T.P Thái Nguyên, có con nhỏ, thuê một căn phòng tại tổ 6, phường Phú Xá để ở.
Chị Na chia sẻ: “Hằng ngày, tôi gửi con tại Trường mầm non Happy Kids để vợ chồng đi làm. Khi dịch COVID-19 lan rộng, con nhỏ ở nhà, tôi phải đón mẹ xuống trông hộ. Thu nhập thấp, lại nuôi thêm người, chi phí tăng nên cuộc sống rất khó khăn”.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những cặp vợ chồng có con nhỏ, không có người trông để đi làm là vấn đề nan giải. Học sinh mầm non ở nhà, trường không thu học phí, đối với trường mầm non công lập, giáo viên vẫn có lương, cơ sở vật chất vẫn có người đảm nhiệm, nhưng với cơ sở mầm non tư thục, dân lập, giáo viên không có việc làm, không có thu nhập, đời sống khó khăn, cơ sở vật chất xuống cấp.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Quốc Hoà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo T.P Thái Nguyên cho biết: “Hệ thống mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung tại T.P Thái Nguyên. Cụ thể, thành phố có 23 trường mầm non và 21 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ngoài công lập, thu hút hơn 8.400 trẻ, chiếm 35% tổng số trẻ trên địa bàn tới trường. Dịch COVID-19, trẻ ở nhà, các trường không thu được học phí, giáo viên không có thu nhập phải đi làm việc khác, thiếu kinh phí duy trì, một số trường có nguy cơ giải thể. Ngoài ra, trẻ không đến trường ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục, nề nếp, thoái quen, chế độ sinh hoạt của trẻ. Đồng thời, trẻ không đến trường còn làm xáo trộn cuộc sống của hàng nghìn gia đình, ảnh hưởng đến công việc của cha, mẹ”.
Trường Mầm non quốc tế Hoa Trạng Nguyên, cơ sở giáo dục ngoài công lập, đón học sinh trở lại từ đầu tháng 4-2022.
Để góp phần khắc phục những vấn đề này, hơn hai năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tích đã cực tham mưu thực hiện các chính sách trợ cấp đối với giáo viên mầm non ngoài công lập mất việc, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ này được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 sớm, làm video gửi cho các trường để duy trì học tập, hướng dẫn các trường vay vốn ưu đãi để duy trì hoạt động, hỗ trợ giáo viên giảm bớt gánh nặng cuộc sống.
Về phần mình, các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn cũng có nhiều giải pháp để tồn tại. Mặc dù không có nguồn thu từ học phí, nhưng Hiệu trưởng Trường mầm non Happy Kids (T.P Thái Nguyên) Trương Thị Thu Hoài xoay đủ mọi cách để trả lương cho hai bảo vệ, một kế toán với số tiền hơn 10 triệu đồng/tháng. Bản thân cô vài ba ngày lại phải tự quét dọn trường lớp, bảo quản đồ dùng học tập, sinh hoạt cho các cháu. Vận động giáo viên trong thời gian không đến trường thì trông trẻ tại nhà, làm công việc khác để có thu nhập, duy trì cuộc sống.
Từ đầu tháng 4-2022, cũng như các trường mầm non ngoài công lập khác, Trường Mầm non Happy Kids đã đón trẻ trở lại trường. Cô Hoài cho hay: “Trường có 210 trẻ, 31 giáo viên, nhân viên. Đến nay, có 50% trẻ và 10 giáo viên đến trường. Khó khăn lớn nhất hiện nay là trẻ không đến đủ nên thu không đủ chi; hơn 10 giáo viên đã làm các việc khác ổn định, không quay trở lại nên trường thiếu giáo viên; giá thực phẩm tăng cao nhưng chưa thể tăng tiền ăn của học sinh”…
Vẫn còn nhiều khó khăn khi trở lại trạng thái bình thường, nhiều giáo viên mầm non ngoài công lập kiến nghị: Trẻ 5 tuổi cần sớm được tiêm vắc-xin phòng COVID-19; ngành Giáo dục nên giảm bớt các cuộc họp, hội thảo, báo cáo chưa cần thiết, mất nhiều thời gian, nhân lực để các trường tập trung khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng nuôi, dạy trẻ trong tình hình hiện nay.