Nhằm tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cấp học, ngành Giáo dục tỉnh đã đặc biệt quan tâm bồi dưỡng đội ngũ, tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường học tập, từng bước nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh (HS).
Bám sát Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các nghị quyết trình HĐND tỉnh thông qua Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án). Mục tiêu là đến năm 2025 có trên 30% tổng số trẻ mẫu giáo được làm quen với tiếng Anh; 100% HS lớp 1, lớp 2 được học chương trình môn tiếng Anh tự chọn; 100% HS trong các cơ sở giáo dục phổ thông (từ lớp 3 đến lớp 12) được học chương trình tiếng Anh mới…
Quan sát một tiết học tiếng Anh của lớp 1 Trường Tiểu học Khôi Kỳ (Đại Từ), chúng tôi nhận thấy các em HS rất hào hứng. Mặc dù trường ở vùng nông thôn, song việc học tiếng Anh ở đây đạt kết quả tích cực.
Cô giáo Lê Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Nhà trường phấn khởi cho biết: Năm học 2020 - 2021, 100% HS Nhà trường hoàn thành môn tiếng Anh, trong đó khoảng 45% hoàn thành tốt.
Việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh được các trường đặc biệt quan tâm. Từ năm học 2018-2019, Trường Mầm non số 2 Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đã tổ chức cho lớp mẫu giáo từ 3-5 tuổi làm quen với tiếng Anh.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài, Hiệu trưởng Nhà trường nói: Chúng tôi đã tuyên truyền để phụ huynh nào tự nguyện cho con làm quen với bộ môn tiếng Anh thì đăng ký. Chủ trương này được nhiều phụ huynh ủng hộ nhiệt tình, Trường có khoảng 300 HS thì số gia đình đăng ký cho con học tiếng Anh chiếm 30%.
Theo thống kê của Sở GD & ĐT, đối với giáo dục mầm non, đầu năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 15.110/69.243 tổng số trẻ được làm quen với tiếng Anh, chiếm 21,82% thì hiện tại đã tăng lên 27,31%.
Đối với giáo dục phổ thông, đầu năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 29.679/50.862 HS lớp 1, lớp 2 được học chương trình môn tiếng Anh tự chọn, chiếm 58,39% thì hiện nay nâng lên 61,72%, tăng 3,33% so với trước khi thực hiện Đề án.
Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo đúng kế hoạch đề ra, trong đó 100% HS từ lớp 3 đến lớp 12 được học chương trình tiếng Anh mới.
Học sinh lớp 6A Trường THCS Bình Thuận (Đại Từ) hăng hái phát biểu trong giờ học tiếng Anh.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, ngành Giáo dục tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên (GV) bộ môn tiếng Anh. 3 năm trở lại đây, ngành Giáo dục đã cử 510 GV tiếng Anh tham gia các lớp bồi dưỡng, trong đó nâng cao năng lực ngoại ngữ 50 GV; nâng cao kỹ năng nghe, nói 180 GV… và 60 GV môn Toán cấp THPT tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã ký kết hợp tác, trao đổi kinh nghiệm dạy và học ngoại ngữ với một số trường đại học, tổ chức giáo dục của các nước Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga.
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã phối hợp với các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên, các trung tâm ngoại ngữ trong việc bồi dưỡng GV, tạo nguồn học liệu.
Các cơ sở giáo dục phổ thông đã tăng cường tổ chức các câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khoá tiếng Anh, ngày hội sử dụng tiếng Anh nhằm tăng cường kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho HS. Tiêu biểu như Trường THPT Chuyên Thái Nguyên lấy chỉ số năng lực IELTS của HS để xem xét đánh giá xếp loại và có hình thức động viên, khen thưởng HS có thành tích cao đối với môn tiếng Anh; Trường THPT Đại Từ mở rộng tủ sách tiếng Anh ngoài trời, xin nguồn tài trợ sách từ dự án Viet Nam Book Drive Project; Trường THPT Đồng Hỷ phối hợp với Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trung tâm Đào tạo theo nhu cầu IDP tổ chức thi thử IELTS cho HS; Trường THPT Chu Văn An phát động cuộc thi làm thiệp chúc mừng 8/3 có lời chúc ý nghĩa bằng tiếng Anh; Trường THPT Trần Quốc Tuấn tổ chức cho HS làm video với chủ đề Tet Holiday và My School….
Nhờ vậy, chất lượng dạy và học môn tiếng Anh được nâng lên theo hướng bền vững. Nếu như năm học 2020-2021, HS các cấp học tham gia thi Olimpic tiếng Anh (IOE) là 16,67%, không có HS nào đạt điểm giỏi, thì năm học 2021-2022 số HS dự thi là 29% (tăng 12,33%), trong đó có 2% HS đạt điểm giỏi.
Với một lộ trình rõ ràng, bước đi phù hợp và các giải pháp tổng thể, ngành Giáo dục đã từng bước nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hội nhập quốc tế.