“Thư viện sách nói giúp các em đọc sách mọi lúc mọi nơi”, đó là thông điệp của mô hình “Tủ sách số cho em” đang được Hội đồng Đội tỉnh triển khai tới hơn 400 liên đội trường học. Đây là một trong những công trình măng non có ý nghĩa, góp phần nâng cao văn hoá đọc, định hướng xu hướng đọc lành mạnh, bổ ích cho cho hơn 160 nghìn thiếu niên, nhi trên đồng trên địa bàn tỉnh.
Sách đóng vai trò quan trọng đối với lứa tuổi thiến niên, nhi đồng. Ở độ tuổi này, việc đọc sách ngoài phục vụ cho học tập, hoàn thiện bản thân, còn giúp các em thư giãn và giải trí sau thời gian học trên lớp. Cùng với phương pháp đọc sách truyền thống thì sách nói đã làm phong phú hơn việc tiếp cận tri thức đối với các em.
Chị Nguyễn Mỹ Linh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết: Nhằm ứng dụng chuyển đổi số vào văn hoá đọc trong thiếu niên, nhi đồng, Hội đồng Đội đã xây dựng công trình măng non “Tủ sách số cho em” triển khai đến 9 huyện, thành trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, các đơn vị thực hiện bằng cách chọn các đầu sách để ghi âm bản sách nói, Hội đồng Đội tỉnh sẽ tổng hợp và đưa vào thư viện sách nói của toàn tỉnh. Đây sẽ là kho sách để hơn 400 liên đội dùng cho các buổi phát thanh măng non và sinh hoạt Đội.
Đến nay, các đơn vị đã xây dựng được 81 đầu sách nói cho thiếu niên, nhi đồng với các nội dung về giáo dục lịch sử, giới thiệu nhân vật lịch sử, truyện cổ tích, kỹ năng sống... Các đầu sách được lựa chọn đều đến từ Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Giáo dục, Văn học…, phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Để nghe những cuốn sách nói này, các em có thể sử dụng điện thoại thông minh, máy tính, truy cập vào bằng mã QR hoặc trực tiếp vào kênh Youtube của Hội đồng Đội tỉnh.
Hội đồng Đội huyện Phú Lương là đơn vị đầu tiên cho ra mắt những tập sách nói trong “Tủ sách số cho em”. Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Phú Lương cho hay: Hội đồng Đội huyện đã góp vào "Tủ sách số cho em" các đầu sách như: Chiếc cặp mang những ước mơ, Vừ A Dính, Cậu bé Tích Chu, Chú Cuội ngồi gốc cây đa… Đây là những cuốn sách cung cấp cho các em kiến thức bổ ích, cách nhìn nhận về thế giới xung quanh, qua đó giúp các em sống tích cực, làm việc tốt và nuôi dưỡng những ước mơ của mình.
Bên cạnh việc xây dựng mô hình tủ sách số cho thiếu niên, nhi đồng, Hội đồng Đội tỉnh cũng đang triển khai xây dựng không gian đọc sách và sinh hoạt Đội, tiếp tục vận động xã hội hóa các đầu sách. Ngoài ra, nhiều cơ sở đoàn, đội còn tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sách theo từng chủ đề; phát động đoàn viên, thanh niên, đội viên quyên góp sách.
Các đoàn trường, liên đội còn thường xuyên tổ chức hội thi kể chuyện; thi vẽ tranh mô tả nội dung những câu chuyện đoàn viên, đội viên yêu thích; tổ chức đọc thơ, ngâm thơ, diễn kịch minh họa nội dung sách… Qua đó thu hút đông đảo thiếu niên, nhi đồng tham gia đọc sách, góp phần để việc đọc sách trở thành thói quen của các em.