Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị môn Lịch sử phải là môn học chính thức. Mấu chốt vấn đề là dạy và học như thế nào để nâng cao chất lượng, không nên để Lịch sử thành môn tự chọn.
Ngày 8-5, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến lần thứ 12 nhằm cho ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để gửi tới Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Theo dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm.
Cử tri và nhân dân đồng tình về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao.
Như vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty CP Công nghệ Việt Á; vụ án nhận hối lộ tại Bộ Ngoại giao, vụ án thao túng thị trường chứng khoán ở tập đoàn FLC; vụ đấu giá đất bất thường và phát hành trái phiếu có dấu hiệu lừa đảo của Công ty Tân Hoàng Minh...
Đồng thời, xem xét kỷ luật nhiều cán bộ có chức vụ cao, cả đương chức và đã nghỉ hưu "hạ cánh” cũng không an toàn.
Cử tri và nhân dân cũng đánh giá cao kết quả đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và đối ngoại nhân dân; đồng tình, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước ta kiên trì thực hiện chủ trương “ba không, bốn tránh", khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hiệp quốc; ủng hộ các phát ngôn của Bộ Ngoại giao về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và những vấn đề quốc tế quan tâm.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, cử tri và nhân dân còn trăn trở, băn khoăn, lo lắng về 5 vấn đề.
Thứ nhất, lo lắng về những khó khăn, thách thức nhiều mặt do dịch COVID-19 gây ra; tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm; đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn khó khăn... Vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ hai, cử tri bất bình, lên án mạnh mẽ đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên, làm giảm lòng tin của nhân dân. Cử tri mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức sai phạm, tránh bỏ lọt tội phạm; công khai, minh bạch kết quả điều tra, xét xử để nhân dân giám sát.
Thứ ba, tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Quản lý hoạt động của thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, thị trường bất động sản... còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; tình trạng dự án đã được giao nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai đã tồn tại nhiều năm, lãng phí tài nguyên đất; tình trạng người dân đã nộp tiền mua đất ở, nhà ở của một số dự án đã nhiều năm nhưng chưa được giao đất, giao nhà gây bức xúc trong nhân dân.
Thứ tư, lo lắng tình trạng một bộ phận người lao động do khó khăn trước mắt đã thanh toán, rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ không bảo đảm đời sống.
Thứ năm, dư luận xã hội băn khoăn, có ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử thành môn học tự chọn ở bậc THPT, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường. Một số nước phát triển, có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã đưa trở lại hoặc vẫn duy trì môn Lịch trong chương trình giáo dục phổ thông.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo 5 nội dung.
Một là, từ thực tế phòng chống COVID-19 cần rà soát quy hoạch, ưu tiên nguồn lực, đầu tư thỏa đáng cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; sớm sửa đổi cơ chế, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo, quyết liệt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng, chống vi phạm, tội phạm trong công tác đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách... Rà soát, thống kê, tổng hợp các dự án đầu tư có sử dụng đất đã quá hạn chưa thực hiện đầu tư hoặc đầu tư kéo dài, có giải pháp xử lý phù hợp, theo quy định của pháp luật, kiên quyết không để kéo dài tình trạng này, gây bất bình, bức xúc trong nhân dân. Rà soát, giải quyết tình trạng nhiều hộ gia đình đã nộp tiền sử dụng đất hàng chục năm nhưng chưa được giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa được xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống.
Ba là, khẩn trương triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vì những chương trình này tác động chủ yếu vào vùng nông thôn, vùng kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, đối tượng thụ hưởng phần đông là hộ nghèo (chỉ còn hơn 3 năm nữa là hết hiệu lực của quyết định đầu tư mà hiện nay chưa hoàn thành các thủ tục để giải ngân).
Bốn là, đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện về việc đưa Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Lịch sử phải là môn học chính thức. Vấn đề là dạy và học như thế nào để nâng cao chất lượng chứ không nên để môn sử là môn tự chọn.
Năm là, trên cơ sở kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trân trọng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan gửi các văn bản, tài liệu liên quan đến Ủy ban MTTQ Việt Nam đúng thời gian để công tác giám sát, phản biện xã hội bảo đảm tiến độ và chất lượng.