Ngày 29-7, Hội khuyến học tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị Phát động chương trình Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình "Công dân học tập" giai đoạn 2021-2030. Tham dự chương trình có đồng chí Đặng Xuân Trường, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Đến hết năm 2020, Thái Nguyên có 86,3% gia đình được công nhận Gia đình học tập; số Dòng họ học tập đã được công nhận đạt 85,76%; số Cộng đồng học tập được công nhận là đạt 96,63%; số Đơn vị học tập (cấp xã, phường) đã được công nhận là 96,93%. Cả 4 mô hình trên đều đã vượt chỉ tiêu đề ra, cao hơn so với bình quân chung của cả nước.
TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Năm 2021, Thái Nguyên cũng đã lựa chọn 3 đơn vị cấp huyện, mỗi huyện lựa chọn 2 đơn vị cấp xã và 10 hộ gia đình để triển khai thí điểm xây dựng mô hình "Công dân học tập". Các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai tập huấn về bộ tiêu chí, cách đánh giá, chấm điểm công dân học tập để cán bộ, hội viên khuyến học các địa phương nắm được; cổ vũ, động viên những đơn vị và gia đình tham gia thí điểm. Kết quả có 569 công dân tham gia thí điểm ở 3 đơn vị cấp huyện đều đạt danh hiệu “Công dân học tập”.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở là một chủ trương lớn, là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, được triển khai sâu rộng tới từng cơ quan, đơn vị, địa phương, gia đình, dòng họ nhằm mục đích xây dựng những mô hình hiếu học và khuyến học cụ thể, hiệu quả và bền vững, đóng góp không chỉ trong việc nâng cao dân trí, phát triển đất nước mà còn góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội, giúp cho tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng và trật tự an toàn trên địa bàn tốt hơn. Đồng chí đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh đánh giá tác động và hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng học học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và “Công dân học tập”; Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phối hợp với Hội Khuyến học tổ chức triển khai, giám sát, đánh giá công nhận các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị trên địa bàn cấp xã theo quy định. Chú trọng đưa các tiêu chí liên quan đến chuyển đổi số vào bộ tiêu chí của các mô hình học tập để nâng cao hiệu quả quản lý, đánh giá và xây dựng chiến lược phát triển cho từng giai đoạn...
Đồng chí Đặng Xuân Trường, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.
Cũng tại chương trình, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh và các giảng viên đã tập huấn Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình 387 và 677; hướng dẫn chi tiết cách thực hiện ở cơ sở; chuyển đổi số trong công tác khuyến học ở địa phương.
---------------------------------------------------------
*Cống hiến cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát triển toàn diện, bền vững
Bài phát biểu của đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại buổi phát động Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị” và “Xây dựng mô hình Công dân học tập” giai đoạn 2021-2030.
Kính thưa:
- Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam!
- Thưa các quý vị đại biểu!
- Thưa toàn thể các bác, các đồng chí cán bộ chủ chốt Hội Khuyến học các cấp.
Hôm nay, tôi rất phấn khởi được thay mặt cho các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đến dự Hội nghị phát động Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị” và “Xây dựng mô hình Công dân học tập” giai đoạn 2021-2030” do Hội Khuyến học tỉnh tổ chức.
Thay mặt Lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng gửi lời chào, lời cảm ơn sâu sắc tới Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cùng toàn thể các bác, các đồng chí cán bộ chủ chốt Hội Khuyến học các cấp đã tham dự Hội nghị phát động ngày hôm nay. Xin kính chúc các đồng chí đại biểu, khách quý lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc; chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!
Thưa các bác, các đồng chí!
Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở là một chủ trương lớn, là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, được triển khai sâu rộng tới từng cơ quan, đơn vị, địa phương và gia đình, dòng họ nhằm mục đích xây dựng được những mô hình hiếu học và khuyến học cụ thể, hiệu quả và bền vững, đóng góp lớn không chỉ trong việc nâng cao dân trí, phát triển đất nước mà còn giảm các tệ nạn xã hội, giúp cho tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng và trật tự an toàn trên địa bàn tốt hơn.
Sau hơn 20 năm phát triển, các mô hình hiếu học và khuyến học trên địa bàn tỉnh đã được khẳng định như những yếu tố động lực đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong các cộng đồng dân cư. Đó chính là tiền đề xây dựng và phát triển các mô hình học tập trong giai đoạn hiện nay.
Trên chặng đường tiếp theo, để tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”, cùng với thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030”, Hội Khuyến học các cấp sẽ tiến hành triển khai xây dựng mô hình “Công dân học tập” đồng loạt trong cả nước (theo Quyết định số 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Đây là vấn đề mới, lần đầu tiên được đề cập ở nước ta, Chính phủ đã tin tưởng giao cho Hội Khuyến học các cấp nhiệm vụ này.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Trung ương Hội Khuyến học, tỉnh ta đã lựa chọn 3 đơn vị cấp huyện, mỗi huyện lựa chọn 2 đơn vị cấp xã và 10 hộ gia đình để triển khai thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập”. Các cấp Hội khuyến học trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai tập huấn về Bộ tiêu chí, cách đánh giá, chấm điểm mô hình Công dân học tập để cán bộ, hội viên khuyến học các địa phương nắm được; cổ vũ, động viên những đơn vị và gia đình tham gia thí điểm.
Trong quá trình triển khai thực hiện, cấp ủy và lãnh đạo UBND các cấp, các đơn vị, địa phương đều rất quan tâm ủng hộ, vào cuộc cùng với Hội Khuyến học. Thường trực Tỉnh Hội đã luôn theo sát cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt để cùng tháo gỡ những khó khăn, điều chỉnh kịp thời vướng mắc trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của các bác, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã dành cho Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, trân trọng ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, hội viên làm công tác khuyến học trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Rất mong các đồng chí tiếp tục quan tâm, động viên, cống hiến để công tác khuyến học của tỉnh Thái Nguyên có thêm nhiều kết quả tiến bộ, góp phần cùng với các địa phương trong cả nước xây dựng sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập bền vững.
Thưa toàn thể các bác, các đồng chí!
Đất nước chúng ta đang tiến vào thập kỷ của nền kinh tế tri thức, của thời đại số, của kỷ nguyên số, của yêu cầu phát triển con người và chia sẻ tri thức. Bối cảnh này vừa mang lại những lợi thế lớn đối với việc đa dạng hóa các cơ hội học tập cho người dân; đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh đó, các yếu tố an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… dự báo diễn biến khó lường, ngày càng tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống xã hội. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ còn ảnh hưởng tiêu cực, kéo dài, đặt ra nhu cầu không chỉ vượt qua khó khăn thách thức mà còn phải chủ động, tích cực trước yêu cầu đỏi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước. Ở đó, học tập suốt đời phải là chìa khóa của giải pháp để đáp ứng cho cuộc sống hiện tại, nhất là học tập dành cho người lớn. Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thể hiện mô hình “Công dân học tập”, đáp ứng nhu cầu công việc ngay tại địa phương, đơn vị là hết sức quan trọng. Mỗi công dân ở vị trí công việc nào cũng cần phải nêu cao ý thức học tập, rèn luyện, cần gì học nấy, thiếu gì bổ sung cái đó, có thể học qua trường lớp, qua thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp hoặc qua nguồn tài nguyên tri thức của nhân loại thông qua chuyển đổi số.
Để “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng học, cộng đồng, đơn vị” và “Xây dựng mô hình Công dân học tập” giai đoạn 2021 - 2030 đạt hiệu quả cao, đóng góp tích cực vào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh, tôi đề nghị các đồng chí chú trọng thực hiện một số nội dung sau:
1- Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tổ chức quán triệt Chỉ thị số 14-TTg, Quyết định số 1373/QĐ-TTg, Quyết định số 387/QĐ-TTg, Quyết định số 677/QĐ/TTg và bám sát vào Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 04/7/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2022-2030” trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, chú trọng phối hợp với Hội Khuyến học các cấp để triển khai thực hiện 5 mô hình học tập trong giai đoạn 2022-2030: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập và mô hình Công dân học tập, trong đó xây dựng mô hình Công dân học tập là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng xã hội học tập.
2- Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh đánh giá tác động và hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng học học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và “Công dân học tập”; chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học cấp huyện tổ chức triển khai, giám sát, đánh giá công nhận các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị trên địa bàn cấp xã theo quy định. Đồng thời, chú trọng đưa các tiêu chí liên quan đến chuyển đổi số vào bộ tiêu chí của các mô hình học tập để nâng cao hiệu quả quản lý, đánh giá và xây dựng chiến lược phát triển cho từng giai đoạn.
3- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua về công tác khuyến học, khuyến tài; lồng ghép các tiêu chí xây dựng 5 mô hình học tập vào tiêu chí công nhận “Nông thôn mới”, “Đô thị văn minh”, gắn kết chặt chẽ và hiệu quả với các cuộc vận động, các phong trào thi đua khác.
4- Các cấp chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và bố trí ngân sách hàng năm để Hội Khuyến học các cấp triển khai thực hiện Chương trình Chính phủ đã phê duyệt.
5- Các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh quan tâm, xây dựng kế hoạch tuyên truyền về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập từ cơ sở đến cấp tỉnh.
6- Cán bộ, hội viên Hội Khuyến học các cấp nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, dân vận khéo để hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra theo từng giai đoạn.
Thưa toàn thể Hội nghị, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ tỉnh, tôi mong muốn hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh chúng ta sẽ bước sang một giai đoạn mới, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra qua các năm, mỗi công dân đều trở thành những công dân học tập trong kỷ nguyên số, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà.
Kính chúc các đồng chí đại biểu và toàn thể các bác, các đồng chí cán bộ chủ chốt làm công tác khuyến học các cấp luôn mạnh khỏe, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát triển toàn diện, bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn!
* Đầu đề do Toà soạn đặt.